Phát triển văn hóa Việt Nam 2023 – 2025: Nhận thức, xây dựng, bảo tồn và phát huy hiệu quả

Những nội dung, giải pháp chủ yếu của Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Nằm ở tỉnh Quảng Nam, Thánh địa Mỹ Sơn là tổ hợp nhiều đền đài Chăm Pa. Ảnh: IT.

Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025

Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 (Chương trình) được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...

Đối tượng của Chương trình bao gồm: Di sản văn hóa thế giới, di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia; Di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận; di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc nguy cơ mai một; Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo; đội tuyên truyền lưu động; các đồn Biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; Đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển Văn hóa

1- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.

2- Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc.

3- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.

4- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân.

5- Phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa.

6- Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.

7- Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.

8- Huy động nguồn lực và quản lý thực hiện Chương trình.

Nâng cấp, phục hồi 2 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh

Nhằm bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc, sẽ triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng 2 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh; khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.

Được biết, tại Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa Việt Nam tự hào được UNESCO công nhận bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (Huế); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam); Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội); Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Những di sản không chỉ minh chứng cho một "dải chữ S" tươi đẹp, đa dạng cảnh quan, có bề dày lịch sử lâu đời mà còn là điểm đến thu hút hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.

Chương trình đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia. Nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh; trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật.

Ngoài ra, Chương trình sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo, nghiên cứu khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa Việt Nam tự hào được UNESCO công nhận. Ảnh: IT.

Du lịch phát triển tạo cơ hội cho con người được "học tập" nhiều hơn

Có thể nói, việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 là bước tạo đà quan trọng cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi nền kinh tế trong nước. Du lịch cũng tạo ra cơ hội cho các ngành nghề liên quan phát triển.

Việt Nam luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan.

Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người.

Đây là nhu cầu rất phổ biến, mức sống càng cao thì nhu cầu du lịch của con người càng lớn. Đi và khám phá, học hỏi, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, học cách làm mới, tìm hiểu những giá trị văn hóa, nâng cao thể chất, tinh thần... hỗ trợ một cách toàn diện và tạo động lực đáng kể cho công tác đào tạo, giáo dục tại nhiều địa phương trong cả nước.

Hy vọng Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 được phê duyệt sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trên nhiều phương diện quốc gia về phát triển du lịch. Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, các điểm du lịch được khai thác và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/phat-trien-van-hoa-viet-nam-2023-2025-nhan-thuc-xay-dung-bao-ton-va-phat-huy-hieu-qua-179230518075658889.htm