Phát triển VLXD tại Phú Thọ: 9 khuyến nghị mang tính giải pháp

UBND tỉnh Phú Thọ cần tăng cường giám sát công tác khai thác khoáng sản và sản xuất VLXD trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc báo cáo về đầu tư các sản phẩm VLXD chủ yếu về Bộ Xây dựng. Đây là những khuyến nghị của Bộ Xây dựng đối với UBND tỉnh Phú Thọ trong thông báo kết quả kiểm tra công tác quản lý nhà nước về VLXD trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở chuyến công tác của Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng từ ngày 27-29/8/2018 tại một số DN sản xuất VLXD và khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD trên địa bàn.

Thực trạng và bất cập

UBND tỉnh Phú Thọ cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về VLXD bằng việc ban hành các văn bản pháp quy về: Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

UBND tỉnh cũng phối hợp với các địa phương có chung địa giới hành chính trên sông (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình) ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng cát sỏi; Phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; Phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản,...

Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ cũng thực hiện các bước lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch theo đúng quy định hiện hành; báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung vào quy hoạch khi có sự điều chỉnh, bổ sung khoáng sản làm VLXD; nghiêm túc chấp hành việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi cấp phép, thẩm định các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, việc công bố hợp quy của các cơ sở sản xuất VLXD còn hạn chế, trong khi đó, các Sở ngành chưa thực hiện thường xuyên và nghiêm túc việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động này theo chức năng, nhiệm vụ.

Việc triển khai chương trình VLXD không nung còn hạn chế, mặc dù các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách đã sử dụng 100% vật liệu xây không nung nhưng việc sử dụng vật liệu này chưa được kiểm soát và có số liệu cụ thể đối với các công trình có vốn ngoài ngân sách.

Công tác quản lý quy hoạch và cấp phép khai thác đá làm VLXD thông thường chưa tính toán sát với nhu cầu thị trường; Chưa có DN nào đầu tư sản xuất cát nhân tạo mặc dù đã được xác lập trong quy hoạch; Đầu tư phát triển vật liệu xây không nung chậm so với quy hoạch; Cấp phép đầu tư mới, đầu tư mở rộng một số cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung tuynel chưa gắn với vùng nguyên liệu sét.

Đặc biệt, UBND tỉnh chưa thực hiện thường xuyên và báo cáo định kỳ Bộ Xây dựng theo quy định hiện hành việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của các cơ sở sản xuất hàng hóa VLXD của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng hóa VLXD trên thị trường.

9 khuyến nghị mang tính giải pháp

Từ hiện trạng cũng như bất cập trong công tác quản lý nhà nước về VLXD trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bộ Xây dựng khuyến nghị UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện 9 nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các DN sản xuất VLXD và khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, môi trường, khoáng sản, kịp thời hướng dẫn cho DN thực hiện đúng các quy định của pháp luật;

Thứ hai, nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về VLXD, khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN đầu tư, sản xuất VLXD trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư các chủng loại vật liệu mới, xanh, sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên,…

Thứ ba, tính toán lại cung - cầu về đá xây dựng trên địa bàn để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Hạn chế tối đa việc cấp phép thăm dò, khai thác đá làm VLXD thông thường, đặc biệt là các khu vực chân sườn đồi, núi dọc theo các tuyến quốc lộ;

Thứ tư, tổ chức xắp xếp lại các khu vực khai thác cát có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy và có tác động tới môi trường; khuyến khích các DN đầu tư sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên; không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp; thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát xây dựng theo đúng quy định pháp luật về khoáng sản;

Thứ năm, cho phép đầu tư mới hoặc mở rộng các dự án nhà máy gạch tuynel cần tính toán kỹ trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương và quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét, trên quan điểm thực hiện đúng theo lộ trình chấm dứt hoạt động cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vật liệu xây không nung trong quá trình thẩm tra, thẩm định các hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công của các dự án; tăng cường hơn nữa việc phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật đối với việc khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung;

Thứ sáu, hướng dẫn DN thực hiện nghiêm túc việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với hàng hóa là VLXD; tăng cường việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh VLXD và hàng hóa lưu thông, sử dụng trên thị trường;

Thứ bảy, tăng cường quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản làm VLXD trên địa bàn; kiểm tra, giám sát công tác cải tạo và phục hồi môi trường; ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản làm VLXD trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông;

Thứ tám, rà soát công tác quản lý quy hoạch các mỏ khoáng sản làm VLXD trên địa bàn; thống nhất chức năng quản lý nhà nước tại địa phương đối với các loại khoáng sản cao lanh, fenspat.

Thứ chín, thực hiện báo cáo về đầu tư các sản phẩm VLXD chủ yếu, báo cáo về quy hoạch khoáng sản làm VLXD và xuất khẩu khoáng sản làm VLXD theo quy định.

Thanh Nga

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/phat-trien-vlxd-tai-phu-tho-9-khuyen-nghi-mang-tinh-giai-phap.html