Phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc bằng song ngữ

'Chúng tôi vui lắm vì gần đây các em rất hăng say học tập, có hứng thú khi đến trường, đến lớp!', thầy giáo Đoàn Minh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) hồ hởi chia sẻ sau thời gian triển khai đề án phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bằng dạy, học tiếng Mông.

Giảng dạy tiếng Mông đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, đặc biệt là việc bảo tồn chữ viết của đồng bào Mông

Giảng dạy tiếng Mông đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, đặc biệt là việc bảo tồn chữ viết của đồng bào Mông

Bất đồng ngôn ngữ

Pu Nhi là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông. Ở đây, gần như 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Họ cần mẫn, chịu khó song vẫn giữ tập quán sản xuất cũ, quanh năm “vắt vẻo” trên các lưng đồi, sườn núi để làm ra bắp ngô, củ sắn sinh nhai. Pu Nhi vẫn có đến hơn 90% số hộ gia đình thuộc diện nghèo, bởi thế, việc quan tâm đến sự học của con em mình hầu như không có. Với các thầy cô giáo thì học sinh đến trường được đã quý, làm sao để giữ được các em ở trường theo học suốt cả một năm lại càng quý giá hơn.

Sở dĩ cũng bởi do địa hình chia cắt nên ngoài điểm trường trung tâm, Trường Tiểu học (TH) Pu Nhi phải thành lập thêm 4 điểm trường lẻ để thuận tiện cho các em theo học. Ở đây có 337 học sinh thì 100% là con em đồng bào Mông. Ít tiếp cận với thế giới bên ngoài, lúc ở nhà chỉ lên rừng kiếm củi, chăn trâu, làm nương theo bố mẹ, nên hầu hết các em đều thiếu tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là vốn ngôn ngữ tiếng Việt còn hạn chế.

Vì vậy, trong suốt một quá trình khá dài, chất lượng học tập của các em học sinh ở đây vẫn chưa được như mong muốn bởi vốn tiếng Việt của nhiều em vẫn còn rất hạn chế. Nhiều lúc chỉ với một câu hỏi mà giáo viên phải nêu lên nhiều lần nhưng các em vẫn không hiểu, không trả lời được.

“Nhiều em sau khi lên lớp còn đọc chậm và phát âm sai, viết sai chính tả, nhiều học sinh thiếu tự tin trong giao tiếp và trong học tập. Các em không tự tin tương tác cùng các bạn để phấn đấu vượt khó trong học tập. Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do các em còn ít vốn tiếng Việt nên việc tiếp thu kiến thức thụ động và chóng quên”, thầy Đoàn Minh Cường tâm sự.

Cứ sau mỗi dịp hè thì các thầy cô giáo ở đây lại lo “ngay ngáy” vì nhiều em quên luôn cả việc đọc, viết và làm Toán. Một số em còn hầu như chưa biết và giao tiếp được bằng tiếng Việt. Đối với số học sinh qua mẫu giáo thì việc giao tiếp bằng tiếng Việt của các em còn nhiều khó khăn. Các em chỉ nghe và hiểu được những câu lệnh đơn giản như “Trật tự”, “Ra chơi”, “Vào lớp” hay “Ra về”...

Ở trường thì vậy, còn ở gia đình, việc tạo thói quen và bồi dưỡng tiếng Việt của các em hầu như không có bởi đồng bào Mông sống riêng lẻ theo hộ, nhóm hộ tận các rừng sâu. Hãn hữu lắm họ mới có cơ hội giao tiếp với người Kinh. Nhiều gia đình không nói được tiếng Việt hoặc ít sử dụng tiếng Việt nên việc sinh hoạt giao tiếp trong gia đình hầu như bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, khi trẻ ra lớp thường chưa nói và hiểu được tiếng Việt.

Từ việc phát triển vốn tiếng Việt bằng phương pháp dạy tiếng Mông, không còn hiện tượng học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng. Ảnh: T.G

Hóa giải bất đồng bằng song ngữ

Từ thực tế trên, từ năm học 2013 – 2014, nhà trường chính thức thực hiện đề án dạy tiếng dân tộc Mông cho các em học sinh khối lớp 3, 4, 5 tại điểm trường trung tâm. BGH nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, giao cho các tổ chuyên môn, Tổng phụ trách Đội có trách nhiệm tổ chức các sân chơi trí tuệ, các trò chơi dân gian trong cácbuổi học để các em học sinh có cơ hội giao tiếp với nhau, qua đó nâng cao vốn ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời rèn cho các em tính bạo dạn và tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt.

Tập thể BGH đã cố gắng tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Có thể kể đến, đó là việc đổi mới phương pháp dạy học, tăng thời lượng một số môn học cơ bản như: Toán, Tiếng Việt. Bên cạnh đó còn tăng cường phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng, tổ chức các hình thực học tập như học theo nhóm, đôi bạn cùng tiến, nhiều tiết học kéo dài.

Giáo viên trong trường cũng vận dụng nhiều giải pháp trong việc tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh. Điển hình có thầy giáo Sủng A Nhan, người dân tộc Mông, trực tiếp là người dạy tiếng dân tộc. Do thấu hiểu tính cách, con người và quan niệm sống của đồng bào Mông nên thầy Nhan đã đề xuất với nhà trường tổ chức ngày càng nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức các sân chơi tiếng Việt và dạy học lồng ghép giữa tiếng Mông và tiếng Việt vào trong giao tiếp, dịch các đoạn hội thoại, thơ, văn từ tiếng Mông sang tiếng Việt.

“Trong quá trình giảng dạy các em, tôi còn tổ chức các trò chơi dân gian, biên dịch lời bài hát từ tiếng Việt ra tiếng Mông như các bài: Đi học xa, Em yêu trường em; cho các em hát bằng cả hai thứ tiếng. Sau nhiều lần như thế đã giúp cho các em hứng thú hơn, thích học bài, thích đến trường hơn. Các em đã tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt”, thầy giáo Sủng A Nhan nói.

“Việc thầy giáo Sủng A Nhan thực hiện dạy học môn tiếng dân tộc Mông và áp dụng đổi mới phương pháp dạy học vào quá trình giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giảm thiểu số lượng học sinh bỏ học. Nhiều giáo viên đã thấy được hiệu quả của việc tăng cường tiếng Việt trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục nên đã hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện giải pháp như trong quá trình dạy tiếng Việt cũng dịch các đoạn văn, đoạn thơ, giải nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Mông để học sinh hiểu rõ hơn”, thầy giáo Đoàn Minh Cường nói.

Thầy Cường cũng cho biết thêm, hiện nhiều gia đình đồng bào Mông cũng đã có ý thức sử dụng một phần tiếng Việt trong giao tiếp nên ngày càng nhiều em có được vốn tiếng Việt tốt khi vào lớp, chất lượng học tập cũng tăng lên qua mỗi năm; đặc biệt ở đây không còn hiện tượng học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phat-trien-von-tieng-viet-cho-hoc-sinh-dan-toc-bang-song-ngu-4002654-b.html