Phát triển vùng nguyên liệu chè phục vụ chế biến

Thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã quan tâm, khuyến khích người dân phát triển mô hình trồng chè theo hướng hàng hóa, phục vụ chế biến; từ đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Diện tích trồng chè mới nằm trong dự án “Trồng và sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao” của huyện Như Xuân.

Chè là cây hàng hóa phù hợp với điều kiện canh tác của huyện Như Xuân nên từ nhiều năm trước đây đã được trồng tại các xã Bãi Trành, Cát Vân, Cát Tân, Hóa Quỳ,... với diện tích phân tán, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, nên diện tích phân tán, nhỏ lẻ, chưa được mở rộng, hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Trước thực tế đó, với kỳ vọng khôi phục và phát triển loại cây trồng truyền thống và trồng mới các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, huyện Như Xuân đã triển khai thực hiện dự án “Trồng và sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao” tại 2 xã Cát Tân và Cát Vân, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân: Để phát triển bền vững cây chè, hướng tới xây dựng thương hiệu, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè tỉnh Phú Thọ, nghiên cứu chất đất và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng giống chè lai LDP2, BH có năng suất, chất lượng cao cho người dân. Tham gia dự án, người dân sẽ được cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp quy định, hỗ trợ kỹ thuật...; đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vùng với giá ổn định, hợp lý và theo cơ chế thị trường. Hiện nay, toàn huyện đã phát triển được 45 ha chè và mục tiêu đến năm 2025, có hơn 400 ha chè với 3 vùng chè lớn, sản lượng đạt 2 vạn tấn chè búp tươi và xuất khẩu 5.000 tấn sản phẩm chè các loại mỗi năm... Đồng thời, phát triển những vùng chè bảo đảm các tiêu chuẩn ISO, HACCP, USDA,... để cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho các xưởng sơ chế, nhà máy chế biến chè xanh xuất khẩu trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận; xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm từ chè.

Cây chè được đưa vào sản xuất ở đồng đất xã Bình Sơn (Triệu Sơn) đến nay đã được hơn 30 năm. Tuy nhiên, với phương thức sản xuất thủ công, chưa chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa nên chất lượng lá chè không cao, sản phẩm chè khô cũng chưa được người tiêu dùng biết đến. Với mục tiêu đưa cây chè thành cây chủ lực để phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xã Bình Sơn đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ giống, phân bón, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng chè. Đồng thời, thành lập HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, HTX đã thành lập các tổ, đội trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch và làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân. Những năm gần đây, HTX đã tổ chức sơ chế chè khô thay vì xuất bán chè tươi như trước đây, giúp nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; đồng thời, quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đến nay, xã Bình Sơn đã phát triển hơn 350 ha chè, với gần 500 hộ dân tham gia sản xuất, hầu hết các diện tích đều được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Có thể nói, từ việc mở rộng diện tích, sản xuất chè, đời sống người dân một số địa phương đã được cải thiện. Do vậy, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè. Bên cạnh đó, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, áp dụng khoa học - kỹ thuật, kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; quy hoạch vùng sản xuất phải gắn với các cơ sở chế biến. Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-vung-nguyen-lieu-che-phuc-vu-che-bien/151572.htm