Phát triển vùng nguyên liệu - 'lối ra' cho các DN ngành giấy

Trong bối cảnh ngành giấy trong nước đứng trước nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài, việc phát triển vùng nguyên liệu được xem là hướng đi đúng đắn, giúp các công ty tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Loay hoay nguồn nguyên liệu

Ngoài dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu được xem là yếu tố sống còn của doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước.

Từ trước đến nay, ngành giấy luôn được Bộ Công Thương và Chính phủ đánh giá là lĩnh vực cần quan tâm, hỗ trợ phát triển.

Trước tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, ngành giấy trong nước càng khó khăn hơn khi đa số DN không tự chủ được nguồn nguyên liệu.

Theo thống kê, mỗi năm các DN sản xuất giấy Việt Nam sử dụng tới 70% nguyên liệu phế thải để sản xuất, hơn nửa số này phải nhập khẩu. Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy chủ yếu từ các hoạt động thu gom riêng lẻ hoặc qua trung gian. Tỷ lệ thu hồi, tái chế giấy trong nước vẫn đang ở mức thấp.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, giấy đã qua sử dụng được xem là nguồn nguyên liệu chính của các DN sản xuất giấy trong nước hiện nay. Tuy vậy, các quy định của Tổng Cục môi trường về phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất nói chung và phế liệu giấy nhập khẩu nói riêng đang khiến nhiều DN gặp khó khăn.

Đại diện một DN sản xuất giấy cho hay, ngoài các quy định “tréo ngoe” về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giấy, việc buộc phải kiểm tra 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu thay vì ở nhà máy của Tổng cục Hải quan gây không ít phiền hà cho DN khi làm thủ tục nhập khẩu. Bên cạnh đó, quy định DN sản xuất giấy phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu làm tăng chi phí tài chính cho DN.

“Ngoài nguồn nguyên liệu, DN ngành giấy có những đặc trưng riêng về công nghệ, dây chuyền máy móc. Do vậy, để DN sản xuất trong nước không thua trên sân nhà khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Chính phủ cần có những hỗ trợ rõ ràng về cơ chế cũng như vốn vay”, vị này kiến nghị.

Hướng đi nào cho DN ngành giấy?

Tập đoàn Tân Mai ký kết hợp đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất với đối tác.

Theo ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai, tập trung phát triển nguồn nguyên liệu được xem là xu hướng tất yếu đối với các DN sản xuất giấy. Nằm trong chiến lược dài hạn phát triển mảng nông - lâm nghiệp, thời gian vừa qua, Tập đoàn Tân Mai đã tập trung xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn, trải dài hầu khắp các tỉnh thành phía Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn Tân Mai cho hay, hiện Tập đoàn đang quản lý rừng và đất rừng trên các khu vực tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi và vùng Đông Nam bộ với diện tích hơn 31.000ha.

Trong năm 2017, đơn vị đã trồng được 542ha, đang quản lý bảo vệ rừng với diện tích là 17.300ha. Năm nay, Tập đoàn Tân Mai sẽ tiếp tục triển khai công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện hữu.

Theo ông Trần Đức Thịnh, nằm trong chương trình mở rộng vùng nguyên liệu bền vững, Tập đoàn Tân Mai còn đạt được thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư trên diện tích đất 998ha ở Đồng Nai và Lâm Đồng.

“Trong cơ cấu đa ngành, sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn được Tân Mai xác định là lĩnh vực mũi nhọn. Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tầm nhìn dài hạn để bảo đảm cho việc mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng và giá trị, khẳng định vị thế của DN trong nhóm đầu của lĩnh vực nông – lâm nghiệp”, ông Thịnh nói.

Hiện Tập đoàn Tân Mai đã và đang phát triển các nhà máy như nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum; nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông và nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai Quảng Ngãi.

Ngoài ra, Tập đoàn đã quyết định đầu tư thêm nhà máy giấy tại dự án Tân Mai Miền Đông (huyện Long Thành, Đồng Nai) và nhà máy bột giấy tại dự án Tân Mai Kon Tum hiện hữu, cùng với việc chuyển toàn bộ dây chuyền thiết bị của nhà máy giấy Tân Mai Quảng Ngãi vào lắp đặt tại nhà máy Tân Mai Miền Đông và dây chuyền thiết bị bột BCTMP vào lắp đặt tại nhà máy Bột giấy Tân Mai Kon Tum. Thuê chuyên gia nước ngoài kiểm toán thiết bị của hai dây chuyền và tổ chức vận chuyển thiết bị về Đồng Nai và Kon Tum.

Được biết, Tân Mai là DN tiên phong thực hiện việc di dời nhà máy ra khỏi TP Biên Hòa, Đồng Nai theo lộ trình thực hiện chuyển đổi chức năng quy hoạch từ khu công nghiệp sang đô thị của tỉnh được Thủ tướng phê duyệt.

Phương Dung

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phat-trien-vung-nguyen-lieu-loi-ra-cho-cac-dn-nganh-giay-post263229.info