Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 2: Những khó khăn, bất cập của y tế cơ sở

Tuy tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận, song quá trình hoạt động vẫn nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn. Những vấn đề này cần được tháo gỡ để góp phần nâng cao năng lực, hoạt động chuyên môn của 'phòng tuyến' y tế có vai trò rất quan trọng này.

> Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 1: Tăng năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế xã

>> Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 3: Tạo nền tảng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

 Một phòng chức năng của Trạm Y tế xã Gio Hải, huyện Gio Linh - Ảnh: ĐỨC VIỆT

Một phòng chức năng của Trạm Y tế xã Gio Hải, huyện Gio Linh - Ảnh: ĐỨC VIỆT

Trang thiết bị thiếu

Đakrông là địa bàn miền núi có dân số phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông Đinh Quang Nhật cho biết, toàn huyện hiện có 13 trạm y tế xã, 100% trạm hiện đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Nguồn nhân lực y tế tuyến xã cơ bản đủ, các trạm có đầy đủ bác sĩ theo quy định, một số trạm có máy siêu âm, tuy nhiên nhiều trạm đến nay vẫn thiếu vị trí việc làm là cử nhân xét nghiệm. Việc thiếu vị trí này đã dẫn đến không thanh toán được bảo hiểm y tế (BHYT) cho việc thực hiện xét nghiệm.

Bên cạnh đó, dù là đơn vị y tế tuyến huyện nhưng đến nay các trang thiết bị của Trung tâm Y tế huyện Đakrông rất thiếu thốn, lạc hậu. Đơn vị thiếu máy siêu âm màu, máy nội soi tai - mũi - họng. Ngoài ra, hiện nay trung tâm vẫn phải sử dụng máy X-Quang cơ rất cũ, lạc hậu. Cùng với đó, dù bác sĩ không thiếu nhưng nhìn chung bác sĩ có chuyên môn cao không nhiều, nguyên nhân là nhiều năm qua huyện chủ yếu sử dụng nguồn bác sĩ địa phương được đào tạo theo chương trình cử tuyển. Số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh (KCB) đạt thấp, trang thiết bị thiếu và yếu cùng chất lượng đội ngũ nhân lực chưa cao khiến sức hút của trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng có xu hướng giảm.

Bác sĩ Trịnh Đức Thiện, Trưởng Trạm Y tế xã A Vao (huyện Đakrông) cho biết, từ khi thông tuyến BHYT đến nay cộng với ảnh hưởng của COVID-19 nên số lượng bệnh nhân đến KCB tại trạm thời gian gần đây giảm sâu. Máy siêu âm của trạm hiện nay vẫn hoạt động thường xuyên, mỗi năm thực hiện siêu âm cho khoảng 150 lượt bệnh nhân, tuy nhiên việc thực hiện siêu âm vẫn chưa được thanh toán BHYT. “Trước đây bình quân mỗi tháng trạm KCB theo BHYT đạt từ 8 - 10 triệu đồng thì hiện nay giảm chỉ còn bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Không có nguồn thu khác cộng với việc KCB BHYT giảm nhiều nên đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, đời sống của cán bộ, nhân viên trạm”, ông Thiện chia sẻ.

Thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh là thực tế chung của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay. Không chỉ ở những trạm y tế thuộc khu vực miền núi mà ở đồng bằng, việc thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác KCB ban đầu khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn. Tại Trạm Y tế xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong hiện trạng thiết bị, máy móc phục vụ công tác KCB còn thiếu như máy hút đờm dãi, máy đo đường huyết (đã bị hỏng). Phòng sản có đầy đủ trang thiết bị nhưng cũng đang hư hỏng, xuống cấp vì lâu ngày không được sử dụng. “Sau đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020, trạm bị ngập nặng nên một số thiết bị KCB và bàn ghế, tủ lưu trữ hồ sơ, máy vi tính bị hư hỏng…”, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Triệu Độ Hoàng Thị Hoa cho biết.

Bệnh nhân giảm do thông tuyến

Việc thực hiện thông tuyến BHYT đã tạo điều kiện cho người bệnh đi tuyến trên nhưng dẫn đến tình trạng số lượng người KCB tại trạm y tế xã giảm sâu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước là hướng về y tế cơ sở, mà còn làm gia tăng chi phí KCB (do tăng số lượt KCB ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến xã không giảm), làm lãng phí về nguồn lực của xã hội.

Theo bác sĩ Hồ Văn Đang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, từ khi thông tuyến huyện và thông tuyến tỉnh KCB BHYT thì số bệnh nhân đến trạm KCB hiện chỉ đạt mức dưới 10 người/ngày. Số lượng sản phụ sinh tại trạm cũng rất thấp, dù năm 2020 toàn xã có tổng số 123 ca sinh nhưng sinh tại trạm chỉ 15 ca. Để thu hút bệnh nhân, bác sĩ Đang kiến nghị ngành chức năng cần đầu tư máy xét nghiệm đường huyết, máy siêu âm, cho phép trạm thực hiện dịch vụ truyền dịch (nhu cầu thực tế của bệnh nhân là khá cao). Bởi lẽ, dù các phòng chức năng, nhân lực đầy đủ nhưng do thiếu máy móc, thiết bị phục vụ KCB nên dẫn đến lãng phí nhân lực; kiến thức, kỹ năng, tay nghề y bác sĩ không được nâng lên do ít có điều kiện thực hành… Tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông, số lượng bệnh nhân KCB trong 3 tháng đầu năm 2020 là 3.774 người thì cùng thời gian này của năm 2021 giảm còn 2.918 người.

Không riêng địa bàn miền núi, y tế cơ sở ở vùng thuận lợi hơn như đồng bằng, đô thị, chính sách thông tuyến BHYT khiến lượng người đến trạm y tế KCB giảm sâu. Trạm phó Trạm Y tế xã Hải An (huyện Hải Lăng) Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết: “Trạm Y tế xã Hải An khi chưa thông tuyến BHYT thì mỗi tháng bình quân có 400 đơn khám bệnh BHYT, nhưng nay mỗi tháng chỉ còn 230 - 250 đơn. Trạm vốn đã không có nguồn thu thì nay nguồn thu khám BHYT sụt giảm nên càng khó khăn hơn. Việc thanh quyết toán BHYT tiết kiệm chi phí KCB nên đơn thuốc cũng không phong phú khiến bệnh nhân mất niềm tin vào năng lực của trạm y tế. Chúng tôi mong muốn có tiền BHYT để hỗ trợ cho cán bộ trạm và hỗ trợ chi phí trong quá trình KCB như giấy in đơn, mực in; có đủ nhân lực để xây dựng chuẩn tốt hơn, chứ thực tế là hiện nay một cán bộ trạm phải kiêm nhiệm quá nhiều chương trình, phần việc nên khó đạt kết quả tốt”. Cũng theo chị Hoài, trang thiết bị và cơ số thuốc của Trạm Y tế xã Hải An cũng như nhiều trạm y tế khác hiện nay còn thiếu trầm trọng. Chính vì vậy mà có nhiều trạm y tế dù có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên, dẫn đến việc quá tải cho bệnh viện, không thuận lợi và tốn kém cho bệnh nhân.

Tại Đông Hà, Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa thành phố đã sáp nhập thành Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà. Hiện 9/9 trạm y tế phường của thành phố đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Từ ngày 1/1/2021, quy định thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT có hiệu lực, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy vậy, với vị trí nằm ở đô thị trung tâm tỉnh lỵ, nơi có Bệnh viện Đa khoa tỉnh hạng I, thì từ khi thông tuyến BHYT, tình hình KCB của trung tâm có khó khăn hơn so với thời gian trước. Nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT mà nơi KCB ban đầu là các cơ sở y tế tuyến dưới như Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà thì đã chuyển lên điều trị nội trú ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thay vì điều trị ở trung tâm như trước kia, đặc biệt là những bệnh liên quan đến ngoại khoa và sản khoa. Ông Dũng cho rằng, ngoài chính sách thông tuyến BHXH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như uy tín, thương hiệu của các bệnh viện tuyến tỉnh thường tạo sự an tâm hơn cho bệnh nhân. Mặt khác, trên địa bàn thành phố Đông Hà hiện nay có rất nhiều phòng khám đa khoa tư nhân hoạt động KCB ngoại trú nên lượng bệnh nhân đến KCB tại trung tâm có phần sụt giảm. Số lượng bệnh nhân giảm dẫn đến nguồn thu giảm, ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị.

Đức Việt- Tú Linh- Thanh Hải

Bài 3: Tạo nền tảng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157181&title=phat-trien-y-te-co-so-theo-huong-cong-bang-hieu-qua-bai-2-nhung-kho-khan-bat-cap-cua-y-te-co-so