Phẫu thuật mắt miễn phí cho 50 trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Trong 3 ngày 27, 28 và 29-7, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (Sở Y tế Hà Nội) phối hợp cùng Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang khám sàng lọc mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang có hoàn cảnh khó khăn.

Đây là một phần trong chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” 2018 do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật về mắt có cơ hội phục hồi thị lực, tìm lại niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.

Theo đó, những trẻ được phẫu thuật mắt nhân đạo trong dịp này là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị các khuyết tật mắt như: Lác, lé, sụp mí, đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu… Các bác sỹ đã khám sàng lọc cho 100 trẻ và chọn phẫu thuật miễn phí cho 50 trẻ bị khuyết tật về mắt đủ điều kiện phẫu thuật.

Bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho biết: Năm 2017 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí bảo trợ trẻ em các địa phương thực hiện phẫu thuật nhân đạo chữa các bệnh lý, dị tật về mắt cho khoảng 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với mong muốn trẻ có đôi mắt sáng để tiếp tục vui chơi, học tập và hòa nhập cộng đồng, chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương phối hợp cùng các bệnh viện phẫu thuật cho trẻ mắc các bệnh lý về mắt.

Trẻ bị lác lâu cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh nhược thị. Ảnh: V.H

Thống kê cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em. Tuy không gây mù mắt nhưng cũng khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, đội ngũ các y bác sĩ chuyên khoa mắt đã khám sàng lọc, phát hiện, phân loại bệnh mắt và đưa ra hướng điều trị thích hợp cho các em.

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.

GS-TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chia sẻ: Trong đợt này chúng tôi chọn lác, sụp mi, đục thủy tinh thế. 3 bệnh đều có nguy cơ gây nhược thị (giảm thị lực của mắt 1 hoặc 2 mắt do mắt không được nhìn). Mắt lác khi mở 2 thì 1 mắt nhìn nên 1 mắt kém đi; sụp mi mi mắt che lấp đồng tử không mở được mắt có nguy cơ giảm thị lực không nhìn được; đục thủy tinh ngăn mắt nhìn có nguy cơ nhược thị nên cần phát hiện sớm.

Đối với bệnh lác cần khám, điều trị sớm vì để lâu có thể gây nhược thị mà nhược thị khó điều trị, cho nên việc phát hiện điều trị sớm rất quan trọng. Vì thế, các bậc cha mẹ nếu thấy mắt con có hiện tượng lác thì nên cho con đi khám sớm.

Để phát hiện lác ở trẻ, bố mẹ thấy mắt con nhìn không thẳng lệch trong hoặc ngoài; sụp mi mắt 1 bên sa xuống thấp hơn bên kia, phát hiện sớm ngay khi con sinh ra; đục thủy tinh con nhìn kém hoặc đồng tử có màu trắng chứ không phải màu đen thông thường…

T. An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phau-thuat-mat-mien-phi-cho-50-tre-co-hoan-canh-kho-khan-119502.html