Phẫu thuật thành công nối ngón tay bị đứt lìa cho 2 trường hợp

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh vừa thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật nối các ngón tay bị đứt lìa, trả lại bàn tay nguyên vẹn cho 2 bệnh nhân.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật nối ngón tay đứt lìa cho bệnh nhân

BS Nguyễn Gia Duy Trí, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, ca đầu tiên là anh N.T.Đ. (29 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, TP.Long Khánh), nhập viện ngày 27-7 do bị chém đứt lìa ngón cái bàn tay trái. Vết thương bàn tay phải phức tạp, đứt hoàn toàn gân gấp ngón cái và động mạch ngón cái; nhiều vết thương vùng đầu, sâu đến xương sọ.

Bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm cần thiết và chuyển vào phòng mổ. Kíp mổ gồm các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình (chia làm 2 kíp xử lý 2 bàn tay), Khoa Ngoại tổng quát, Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật gắn lại xương, khâu nối mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi vi phẫu, khâu nối gân, xử lý vết thương đầu cho bệnh nhân.

Trường hợp thứ 2 là ông T.V. (50 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc), nhập viện chiều 29-7. Ông V. là công nhân, bị tai nạn khi đang làm việc khiến ngón tay thứ 4 bên phải đứt gần lìa, chỉ còn dính phần da gân mặt lưng ngón tay.

Nhận định đây là ca bệnh khó, tuy còn dính da gân nhưng vết thương nham nhở, các bó mạch 2 bên đều bị đứt hết, bầm dập, đầu ngón tay tím tái, nếu không khâu nối sẽ có nguy cơ hoại tử, phải bỏ ngón tay.

Sau khi hội chẩn nhanh, các bác sĩ quyết định làm phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong 3 giờ đồng hồ, dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nối ngón tay cho bệnh nhân, phục hồi tuần hoàn ngón tay bị đứt.

Đến nay, ngón tay bị đứt của cả 2 bệnh nhân đã hồng hào, hết sưng nề, không có dấu hiệu ứ máu, ngón tay vận động được, có cảm giác.

Kỹ thuật vi phẫu nối ngón tay đứt lìa là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, bệnh viện phải có máy móc, thiết bị hiện đại. Trước đây, khi kỹ thuật này chưa được triển khai, người bệnh thường được sơ cứu ban đầu rồi chuyển lên tuyến tỉnh, Trung ương hoặc sẽ cắt bỏ phần chi bị đứt và tạo mỏm cụt nếu các mô đứt lìa bị hoại tử. Việc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh triển khai thuần thục kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202308/phau-thuat-thanh-cong-noi-ngon-tay-bi-dut-lia-cho-2-truong-hop-3173547/