Phê bình nhiều cơ quan, đơn vị không kịp thời báo cáo đầu tư công

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thấp, chỉ đạt 48,53%.

Ngày 13/11, ông Phan Trường Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, có thông báo về buổi làm việc của Chủ tịch huyện với các Chủ đầu tư về đánh giá công tác đầu tư, giải ngân 10 tháng năm 2023.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, phê bình tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành của các địa phương gồm các xã Avương, Dang, Bhalêê, Anông, Tr’hy.

Ông Lượm cũng phê bình các cơ quan, đơn vị gồm phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dân tộc, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Nội vụ, Hội liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Trung tâm Y tế, Văn phòng HĐND&UBND, Văn phòng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) huyện.

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang.

Các xã, cơ quan, đơn vị trên không kịp thời báo cáo kết quả thực hiện công tác đầu tư, giải ngân 10 tháng đầu năm.

Cũng theo ông Lượm, trong 10 tháng năm 2023, mặt dù công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư được chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt, các chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp, đạt 48,53%.

Trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài giải ngân đạt 75,62%, vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân đạt 35,84%; kế hoạch vốn đầu tư 2022-2023 đến nay chưa phân bổ gần 40 tỷ đồng.

Nguồn vốn sự nghiệp giải ngân rất thấp. Trong đó, vốn Chương trình MTQG giảm nghèo tỉ lệ giải ngân 18,30%, vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉ lệ giải ngân 64,51%, vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉ lệ giải ngân 3,89%.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án rất chậm.

Một số dự án được Hội đồng thẩm định cho ý kiến nhưng các chủ đầu tư chưa hoàn thiện phương án, trình phê duyệt để triển khai thực hiện.

Việc điều chỉnh phương thức thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhiều, dẫn đến triển khai chậm, kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Để công tác đầu tư, giải ngân năm 2023 đạt yêu cầu đề ra, UBND huyện đề nghị các chủ đầu tư, UBND các xã khẩn trương thực hiện bằng mọi biện pháp phải đảm bảo công tác giải ngân các nguồn vốn sự nghiệp, vốn đầu tư năm 2022 kéo dài đến ngày 31/12 đạt 100%.

Đối với nguồn vốn năm 2023 đảm bảo giải ngân đếnngày 31/01/2024 đạt 95% trở lên.

Chậm nhất đến ngày 15/11/2023, các đơn vị này hoàn thành rà soát toàn bộ nguồn vốn được UBND huyện giao trong năm 2023 và vốn năm 2022 chuyển.

Đồng thời, tổng hợp, báo cáo đề xuất chuyển nguồn những nhiệm vụ không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết trong năm 2023, nhất là các nguồn vốn ngân sách huyện bố trí đối ứng trong từng dự án (nếu có) gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện.

Sau đó, Phòng này tổng hợp, tham mưu UBND huyện điều chuyển phù hợp, đúng mục tiêu sử dụng vốn, hạn chế thấp nhất chuyển nguồn sang năm sau.

Sau thời gian trên, giao Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện rà soát, tham mưu UBND huyện xem xét, điều chỉnh các nguồn vốn theo quy định.

Chủ đầu tư, UBND các xã cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan trong triển khai thực hiện nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG, phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu Hội đồng thẩm định huyện xem xét, cho ý kiến đảm bảo đầy đủ nội dung, cơ sở, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện.

Đồng thời, các đơn vị này lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã có kinh nghiệm, năng lực tài chính trong thực hiện dự án liên kết các nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG.

Đối với dự án hỗ trợ cộng đồng đề nghị các chủ đầu tư cần liên kết với các doanh nghiệp, dợp tác xã để tham gia cung ứng đầu vào và hỗ trợ tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho cộng đồng.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phe-binh-nhieu-co-quan-don-vi-khong-kip-thoi-bao-cao-dau-tu-cong-a635709.html