Phe Dân chủ lo quân đội can thiệp bầu cử

Đảng Dân chủ đang kiên quyết yêu cầu quân đội Mỹ cam kết không can thiệp kết quả bầu cử tổng thống sắp tới, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tránh trả lời về bản chất 'phi chính trị' cũng như vai trò của lực lượng vũ trang trong tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình tại Nhà Trắng.

Bức ảnh Tổng thống Trump dẫn đầu đoàn nội các và tướng lĩnh tại nơi biểu tình hồi tháng 6 khiến nhiều người nghi quân đội tham gia chính trị. Ảnh: AFP

Bức ảnh Tổng thống Trump dẫn đầu đoàn nội các và tướng lĩnh tại nơi biểu tình hồi tháng 6 khiến nhiều người nghi quân đội tham gia chính trị. Ảnh: AFP

Theo tờ Politico, quan ngại về khả năng quân đội bị “chính trị hóa” bắt đầu lan ra sau khi chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump cho chạy đoạn quảng cáo có sự xuất hiện của Bộ trưởng Esper và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley. Ðảng Dân chủ tiếp tục làm căng khi ông Esper trong văn bản hồi đáp Ủy ban Quân vụ Hạ viện không dứt khoát loại trừ sự tham gia của lực lượng vũ trang đối với tiến trình bầu cử, thay vào đó lấp lửng rằng quân đội sẽ tiếp tục hành động dựa trên hiến pháp và pháp luật.

Trước câu trả lời này, hạ nghị sĩ Dân chủ Elissa Slotkin cho rằng ông Esper trên cương vị bộ trưởng quốc phòng phải làm tròn trách nhiệm theo quy định của hiến pháp cũng như đảm bảo vị thế “phi chính trị” của quân đội. Bởi vì cùng câu hỏi trên, Tướng Milley hồi tháng 8 lại làm rõ vấn đề khi tuyên bố quân đội không có vai trò gì trong giải quyết mâu thuẫn về kết quả bầu cử, thay vào đó tòa án và quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền. Theo hạ nghị sĩ Dân chủ Mikie Sherrill, Bộ trưởng Esper chỉ trả lời “cho có” và khiến người khác không tin ông ấy hiểu tầm quan trọng của vấn đề hiện nay.

Trong tuyên bố phản hồi, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết Bộ trưởng Esper từ khi nhậm chức vào tháng 7-2019 đã nhiều lần gửi thông điệp tới lực lượng vũ trang để nhắc nhở họ đứng ngoài chính trị. Tướng Milley cũng khẳng định quan điểm của ông Esper đối với vị thế “trung lập và phi chính trị” của lực lượng vũ trang từ lâu được các nhà lập pháp lẫn công chúng ghi nhận. Về phần câu trả lời ngắn trong văn bản hồi đáp, người này cho rằng vị bộ trưởng đơn giản không muốn đi sâu vào những câu hỏi “có chủ ý và nhuốm màu chính trị” từ các thành viên hạ viện. Ngoài hai quan chức quốc phòng cấp cao, nghị sĩ Dân chủ cũng gửi thư cho Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe và quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf để kêu gọi họ duy trì yếu tố “phi chính trị” trong tiến trình bầu cử. Cơ quan Tình báo Trung ương và Cơ quan An ninh Quốc gia đồng thời nhận được những lời đề nghị tương tự.

Theo Hãng tin CNN, câu hỏi về quyền hạn của tổng thống cùng với vai trò của các lực lượng như quân đội, tình báo được ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden gợi mở trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6. Cụ thể, ông Biden nói rằng quân đội Mỹ sẽ can thiệp để đưa Tổng thống Trump khỏi Nhà Trắng nếu ông ấy không chấp nhận bị thua cuộc trong kỳ bầu cử sắp tới. Trước đó, Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo nguy cơ “gian lận” trong bầu cử và không cam kết chuyển giao quyền lực, dấy lên suy đoán ông có thể tìm cách sử dụng các công cụ quyền lực bao gồm vai trò tổng tư lệnh lực lượng vũ trang để kéo dài thời gian tại chức.

Lập luận này đồng thời châm ngòi các cuộc tranh luận gay gắt trong quân đội về vai trò của họ nếu tranh chấp kết quả bầu cử dẫn đến bất ổn dân sự. Bởi theo luật định, ông Trump dù thua cuộc thì vẫn là tổng thống và tổng tư lệnh quân đội cho tới thời điểm tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại ông Trump sẽ viện dẫn Ðạo luật Chống nổi loạn cho phép tổng thống điều động các đơn vị Vệ binh Quốc gia hoặc binh sĩ nhằm “khôi phục trật tự”. Nói với New York Times, nhiều quan chức Bộ Quốc phòng khẳng định các tướng lĩnh hàng đầu có thể từ chức nếu ông Trump kiên quyết huy động sức mạnh quân đội để dẹp yên tình trạng bất ổn sau bầu cử.

MAI QUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phe-dan-chu-lo-quan-doi-can-thiep-bau-cu-a126370.html