Phe đối lập Afghanistan đàm phán Taliban: Bàn tay Nga ra hiệu

Các chính trị gia của Afghanistan và các nhà lãnh đạo Taliban sẽ chính thức bắt đầu một cuộc đàm phán ở Moscow trong 2 ngày tới.

Ngày 27/5, các chính trị gia phe đối lập của Afghanistan và các lãnh đạo phong trào Hồi giáo Taliban đã bắt đầu tập trung tại Moscow và chuẩn bị cho cuộc đàm phán không chính thức trong 2 ngày tại thủ đô nước Nga.

Hội nghị tổ chức vào ngày 28-29/5. Về phía Taliban, phái đoàn lên đường đến Moscow gồm 14 thành viên cao cấp, do lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu. Ngoài ra, trong đoàn còn có nhà đàm phán hàng đầu của Taliban là Sher Mohammad Abbass Stanikzai.

Về phía Afghanistan, cựu Tổng thống Hamid Karzai được biết sẽ có mặt tại hội nghị. Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan cũng sẽ cử đại diện tham dự.

Đáng chú ý, cựu Tổng thống Hamid Karzai và nhà lãnh đạo Taliban Stanikzai sẽ có cuộc thảo luận kín bên lề cuộc đàm phán không chính thức này.

Người dân Afghanistan trong một cuộc biểu tình ủng hộ đàm phán hòa bình với Taliban

Cuộc đàm phán này diễn ra trong bối cảnh cuộc hòa đàm giữa chính quyền Kabul và phong trào Hồi giáo Taliban đang rơi vào bế tắc.

Đồng thời, các cuộc gặp song phương giữa phái đoàn của Mỹ với Taliban cũng không mang lại đột phá cho một lộ trình ngừng bắn và hòa bình.

Việc các chính trị gia phe đối lập dẫn đầu bởi cựu Tổng thống Karzai đến Moscow và đối thoại với Thủ lĩnh Taliban cho thấy mối quan ngại rằng đương kim Tổng thống Ashraf Ghani đang ngày càng mất vai trò trong tiến trình hòa bình hiện này ở Afghanistan.

Cần chú ý rằng nội dung các cuộc hòa đàm này tập trung vào vấn đề tìm kiếm lệnh ngừng bắn giữa Mỹ, quân đội Afghanistan và phong trào Taliban. Sau khi có lệnh ngừng bắn, hai bên sẽ xúc tiến đối thoại chính trị và công nhận Taliban như một phần của chính quyền hợp pháp Afghanistan.

Điều này đồng nghĩa với việc trong kỳ bầu cử tới, Taliban được hoạt động như một đảng chính trị, có xuất trong Quốc hội và được cử thành viên cạnh tranh vị trí Tổng thống.

Trong điều kiện hiện tại, số liệu của CIA cho thấy Taliban đã kiểm soát hoàn toàn 60% lãnh thổ Afghanistan.

Lực lượng quân đội Mỹ và quân đội quốc gia nước này chỉ còn kiểm soát 40% lãnh thổ, tập trung ở các thành phố lớn và các mỏ dầu lớn.

Như vậy, bản chất của cuộc hòa đàm này là Mỹ buộc phải đàm phán với tổ chức khủng bố mà họ đã phát động cuộc chiến từ năm 2001. Sau đó, nếu muốn có một thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ đành phải công nhận tổ chức khủng bố này có tư cách là một chính đảng.

Một cuộc giao tranh giữa quân đội Mỹ và một nhóm phiến quân Taliban

Thực tế, Mỹ đang có ảnh hưởng tuyệt đối đến chính quyền Kabul, nhưng họ không kiểm soát được hoàn toàn quốc gia Trung Đông này. Những lợi ích tại Afghanistan không tương xứng với cái giá mà Mỹ phải trả trong gần 2 thập kỷ qua. Đó là lý do Tổng thống Trump luôn muốn rút chân ra khỏi bãi lầy Afghanistan.

Trong bối cảnh này, cách đàm phán kiểu Donald Trump với việc dựa vào sự áp đảo đối phương là không sử dụng được. Vì thế, tình huống tiếp tục lâm vào thế bế tắc và Taliban không chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra trong cuộc đàm phán này.

Hồi tháng 2/2019, Đặc phái viên Mỹ về hòa đàm Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad đã ngồi lại với người đồng cấp Nga Zamir Kabulov ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).

Giới thạo tin khi đó đã loan báo phía Mỹ đã nhờ Nga tác động vào phe đối lập ở Afghanistan và cả Taliban để sớm tìm ra chìa khóa cho vấn đề.

Từ cuộc đàm phán không chính thức ở Moscow, có thể thấy rằng cả phe chính trị đối lâp cùng với Taliban đều đang chịu ảnh hưởng từ phía Nga.

Dù muốn hay không, người Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận sự thật rằng Nga đang có ảnh hưởng rất lớn ở Afghanistan nói riêng và toàn bộ Trung Đông nói chung.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phe-doi-lap-afghanistan-dam-phan-taliban-ban-tay-nga-ra-hieu-3380861/