Phê duyệt 'Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2025'

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 5133/QĐ-UBND phê duyệt 'Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2025'.

Buổi sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau Tào Trụ, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa).

Trong những năm qua được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã tiếp nhận và triển khai 4 dự án (dự án VIE 022, VIE 047, VIE 051, VIE 062) do các tổ chức quốc tế tài trợ và đã thành lập được 281 CLB LTHTGN. Đặc biệt thực hiện các Quyết định 2666/QĐ-UBND và Quyết định 2384/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập CLB LTHTGN, qua đó đã thành lập 519 CLB LTHTGN. Tính đến tháng 9- 2020, Thanh Hóa đã có 800 CLB được thành lập ở 404 xã, phường, thị trấn với 44.291 thành viên; trong đó có 31.000 thành viên là người cao tuổi (NCT) (chiếm trên 70%); 33.661 thành viên là nữ (chiếm trên 76%) và chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các CLB sau khi thành lập đều được cùng cố ổn định tổ chức bảo đảm sinh hoạt định kỳ, hoạt động có hiệu quả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho NCT và cộng đồng.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 400 CLB với 20.000 thành viên, trong đó có 14.000 thành viên CLB là NCT; 90% xã, phường, thị trấn và có 25% khu dân cư có CLB; có thêm 5 đơn vị cấp huyện phủ kín CLB ở địa bàn xã; 50 xã, phường, thị trấn phủ kín CLB thôn, tổ dân phố; chú trọng nhân rộng mô hình CLB ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Phấn đấu có 90% CLB trở lên đạt loại khá, vững mạnh, không có câu lạc bộ yếu kém. Phấn đấu mỗi năm vận động Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT các cấp đạt 7 tỷ đồng trở lên, trong đó, quỹ chi nhánh và tỉnh đạt trên 4 tỷ đồng; dành 60% số tiền quỹ thu được hỗ trợ thành lập và quản lý CLB. Các CLB bảo đảm chất lượng, cơ cấu, thành phần (mỗi CLB từ 50-70 thành viên, trong đó 60-70% là phụ nữ; 60-70% là NCT; 30-40 % là người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn. Bảo đảm 100% CLB thành lập mới có vốn hoạt động tăng thu nhập ban đầu là 50 triệu đồng trở lên; có 50% thành viên được vay vốn cải thiện thu nhập.

Hoạt động của Đề án bao gồm: Tập huấn kỹ thuật, tài liệu để nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện Đề án; xây dựng, thành lập mới và duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CLB; quản lý, giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho CLB; truyền thông, nâng cao nhận thức; huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia nhân rộng mô hình CLB; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động CLB…

Hội NCT tỉnh chủ trì Đề án, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và các đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức triển khai Đề án; hướng dẫn hội NCT các huyện, thị xã, thành phố các quy định, nguyên tắc, thủ tục tổ chức thành lập, các tiêu chí, nội dung hoạt động, quản lý CLB. Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Ban điều hành Đề án nhân rộng mô hình giai đoạn đến năm 2025; tổ chức giám sát, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện và các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế…

Thanh Huê

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phe-duyet-de-an-nhan-rong-mo-hinh-cau-lac-bo-lien-the-he-tu-giup-nhau-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-giai-doan-den-nam-2025/128225.htm