Phế liệu nằm cảng:Ngành nhựa tìm cơ hội trăm năm có một

Hiệp hội Nhựa Việt Nam khẳng định, thời điểm này là cơ hội trăm năm mới có một lần của ngành.

Kể từ ngày 1/1, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập 24 loại phế liệu thì lượng nhựa nguyên liệu nhập vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017.

Cho đến nay, hàng ngàn container nhựa phế liệu vẫn đang nằm ở các cảng không biết đến khi nào trong khi ngành nhựa Việt Nam lại đang "đói" nguyên liệu.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, để giải phóng hàng ngàn container nhựa phế liệu đang nằm ở cảng, Bộ TN-MT cần đưa thông tin các công ty đã được cấp phép lên cổng thông tin điện tử quốc gia để cơ quan hải quan nắm bắt kịp thời, chỉ tiếp nhận khai báo làm thủ tục nhập khẩu cho các công ty đã có tên trên cổng thông tin điện tử quốc gia.

Tập trung nhân lực, đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu mới cho các doanh nghiệp đã đầu tư đúng quy chuẩn.

Xem xét mở rộng quy chuẩn VNQC32 - quy định tiêu chuẩn nhựa phế liệu nhập khẩu do Bộ TN-MT ban hành để kiểm soát chất lượng nhựa phế liệu nhập khẩu.

Theo đó, đưa tất cả các loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục nhựa phế liệu được phép nhập khẩu hoặc ít nhất phải có thêm các loại ống, tấm, khay, màng, bao bì, đồ chơi, pallet, két nhựa..., nhằm mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu và tránh tồn cảng trong tương lai khi lô hàng nhập có lẫn các loại nhựa này.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hầu hết các chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng quản lý chặt đầu ra là nước thải và khí thải của các nhà máy tái chế.

Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành tái chế nhựa phế liệu nhằm mục đích siết chặt và thuận tiện cho việc quản lý, đẩy mạnh việc phát triển ngành nhựa Việt Nam.

Hiện có hơn 4.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng. Ảnh: NLĐ

Đối với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị Bộ yêu cầu hãng tầu chỉ cho xếp hàng lên tầu đối với các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực.

"Như vậy sẽ buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải có trách nhiệm với lô hàng của mình đến cùng, nếu không họ sẽ bị tước giấy phép nhập khẩu. Sẽ không còn những lô hàng tồn cảng do doanh nghiệp đứng tên nhận hàng rồi bỏ hàng như trước đây", Hiệp hội nhận định.

Yêu cầu các hãng tầu miễn phí phạt lưu container và lưu bãi cho các doanh nghiệp để nhanh chóng giải phóng hàng tồn. Nếu không miễn phí thì doanh nghiệp không thể rút hàng được.

Không yêu cầu các hãng tầu phải có trách nhiệm tái xuất hàng hóa không đạt tiêu chuẩn hoặc do doanh nghiệp không đến nhận hàng vì trách nhiệm xử lý tái xuất hàng hóa là của doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với Bộ Tài Chính - Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đề xuất cho thông quan tất cả các container hàng nhựa đã qua sử dụng (bao, màng) đang tồn tại cảng biển như trước đây. Nếu có thay đổi chính sách không cho nhập khẩu mặt hàng này thì phải được ban hành theo văn bản quy phạm pháp luật, tối thiểu là thông tư do cơ quan ngang Bộ ban hành và có thời gian ân hạn cho doanh nghiệp chuẩn bị.

Tăng cường việc phòng ngừa rủi ro trong việc kiểm soát hàng hóa, cho nâng luồng kiểm tra xác suất hoặc phối hợp trực ban trực tuyến của Tổng cục Hải quan để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, ngành nhựa không chủ động được nguồn nguyên liệu, việc nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất hạt nhựa tái sinh là giải pháp hữu hiệu cho bài toán nguyên liệu của ngành nhựa.

"Kể từ khi Việt Nam có chính sách nhập khẩu nhựa phế liệu, chúng ta đã xuất khẩu ngược các sản phẩm nhựa sang Trung Quốc, nơi mà trước đây chúng ta phải nhập khẩu từ cái chậu, cái lồng bàn... bằng nhựa.

Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 477 nghìn tấn nhựa trong đó xuất khẩu đi Trung Quốc chiếm 50% tỷ trọng, tăng 99,87% về lượng so với năm 2016. Việc Trung quốc ngừng nhập khẩu nhựa phế liệu sẽ buộc các doanh nghiệp của họ phải nhập hạt nhựa tái sinh để phục vụ sản xuất, đây là cơ hội chưa từng có cho ngành nhựa Việt Nam.

Ngành nhựa được Chính phủ xác định là một trong mười ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Thời điểm này là cơ hội trăm năm mới có một lần của ngành nhựa.

Nếu Chính phủ tuyên bố hỗ trợ ổn định cho việc nhập khẩu nhựa phế liệu, đồng nghĩa với việc Việt Nam có nguồn nguyên liệu giá thành thấp. Các đối tác có công nghệ tái chế nhựa phế liệu tiên tiến như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đang chờ đợi để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hàng nghìn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa thành phẩm và nhựa kỹ thuật cao tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước lớn mạnh", Hiệp hội Nhựa kỳ vọng.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/phe-lieu-nam-cangnganh-nhua-tim-co-hoi-tram-nam-co-mot-3363688/