Phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia mới được thông quan

Đó là chỉ đạo của Tổng cục Hải quan đối với các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố và các chi cục kiểm định hải quan trong việc ngăn chặn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam trái quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, qua theo dõi, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200 đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 4,5 triệu tấn phế liệu các loại, đây là mức tăng khá đột biến.

Tính riêng tại Cảng Cát Lát (TPHCM) thống kê số lượng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại bãi là hơn 3.500 container, trong đó từ 30 – 90 ngày là 555 container, quá 90 ngày là 2.531 container. Đây được xem khu vực tồn đọng phế liệu nghiêm trọng nhất. Còn tại Hải Phòng, cũng đã có hơn 1.000 container phế liệu nhập khẩu đang ứ đọng ở các cảng biển, trong đó 2/3 số container đã quá 90 ngày mà chủ hàng chưa đến làm thủ tục thông quan.

Cũng theo cơ quan Hải quan, ngay từ đầu năm, khi có thông tin Trung Quốc cấm nhập phế liệu, ngành Hải quan đã tham mưu để cảnh báo. Trong đó, Tổng cục hải quan đã có Chỉ thị tăng cường kiểm soát việc nguyên liệu phế liệu, hàng hóa phế liệu nhập khẩu về cảng, kiểm soát chặt chẽ đối với những đơn hàng ngoài nhu cầu thực tế nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất như bột giấy về sản xuất giấy, hạt nhựa về cho các nhà máy sản xuất nhựa, sắt thép cho nhà máy sản xuất sắt thép….

Những lô phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam buộc phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Ảnh: Tiền phong

Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu tháng 7/2018 đến nay cơ quan hải quan đã phát hiện 25 lô hàng không đạt điều kiện nhập, chủ yếu là mặt hàng liên quan đến phế liệu nhựa, giấy, sắt thép… Chủ hàng không có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường để nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất; không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.

Về phía Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu và sẽ cương quyết yêu cầu phải tái xuất đối với các container phế liệu nhập khẩu trái phép. Đây cũng là thông điệp rõ ràng để một số hãng tàu, DN kinh doanh cảng ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu.

Để cùng với Chính phủ giải quyết tình trạng nhập khẩu phế liệu, tại các địa bàn cảng trọng điểm, cảng biển lớn, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố, doanh nghiệp kinh doanh cảng trong việc thực hiện thủ tục hải quan, cũng như xử lý, phân loại các lô hàng phế liệu tồn đọng.

Còn đối với các lô hàng của doanh nghiệp đã nhập khẩu về cảng, Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố và các chi cục kiểm định hải quan kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm các lô hàng phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn, Quy chuẩn quốc gia, phải là nguyên liệu “sạch” mới được thông quan đưa vào sản xuất. Đối với các lô hàng đang tồn đọng tại cảng quá 30 ngày trở lên, cơ quan hải quan đang rà soát. Trong trường hợp chủ hàng (người đứng tên trên vận đơn) không có đủ giấy tờ theo quy định, sẽ thực hiện xử lý theo quy định pháp luật, có thể buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung nguyên liệu

Theo dự báo, đến năm 2023, lượng nguyên liệu nhựa chính phẩm cho sản xuất ở Việt Nam cần khoảng 10 triệu tấn. Lượng nhựa phế liệu nhập khẩu phục vụ pha trộn lên tới 3 triệu tấn/năm, chưa tính phần nhập khẩu để sản xuất nhựa tái sinh xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài cần tận dụng nhựa phế liệu nhập khẩu để tái sinh, đưa vào sản xuất sản phẩm, kéo dài vòng đời của nguyên liệu nhựa để đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Đây cũng chính là cách mà nhiều quốc gia, ngay cả các nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ và EU áp dụng.

Trên thực tế, nếu so sánh, giá thành thành phẩm nhựa sau khi nhập để tái chế luôn thấp hơn hạt nhựa nguyên sinh khoảng 30%, thậm chí 40%. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, nhưng trong hai năm qua, Việt Nam nhập khẩu và tiêu thụ lượng lớn các sản phẩm nhựa từ Thái Lan và Malaysia, Indonesia.

Việc bị động về nguồn nguyên liệu, kéo theo thiếu chủ động về giá nguyên liệu phần nào hạn chế sự bứt phá của doanh nghiệp nhựa trong nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu, phát triển nền công nghiệp tái chế tiên tiến cho ngành nhựa trên nền tảng không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế .

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/phe-lieu-nhap-khau-phai-dap-ung-tieu-chuan-quy-chuan-quoc-gia-moi-duoc-thong-quan-d148309.html