Phép màu nào giúp Su-30MKI Ấn Độ tránh được số lượng lớn tên lửa Pakistan?

Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa tiết lộ một thông tin gây chấn động liên quan tới trận không chiến trên bầu trời đường giới tuyến LoC phân chia khu vực Kashmir diễn ra hôm 27/2.

 Trong trận không chiến diễn ra hôm 27/2 giữa các chiến đấu cơ Ấn Độ và Pakistan, New Delhi tuyên bố rằng phía Islamabad không chỉ sử dụng JF-17 Thunder như họ vẫn thông báo.

Trong trận không chiến diễn ra hôm 27/2 giữa các chiến đấu cơ Ấn Độ và Pakistan, New Delhi tuyên bố rằng phía Islamabad không chỉ sử dụng JF-17 Thunder như họ vẫn thông báo.

Ấn Độ cáo buộc rằng thực chất Không quân Pakistan (PAF) đã sử dụng một số lượng lớn tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất để tấn công máy bay của họ.

Trang Indian Defense News cho hay, các tiêm kích F-16 của Pakistan đã bắn 4 - 5 quả tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 AMRAAM từ khoảng cách 40 - 50 km nhằm vào tốp máy bay Ấn Độ.

Tuy nhiên Không quân Ấn Độ (IAF) tiết lộ rằng tiêm kích của họ đã "đánh lừa" và tránh được toàn bộ tên lửa AIM-120 AMRAAM phóng đi từ chiến đấu cơ F-16 của Pakistan.

Tuyên bố của IAF cho hay "Toàn bộ các máy bay Su-30 tham gia vào chiến dịch ngăn chặn đã hạ cánh an toàn", điều đó có nghĩa là tất cả tên lửa AIM-120 mà F-16 Pakistan sử dụng đều trượt mục tiêu.

"Sự xuất hiện kịp thời của các chiến đấu cơ IAF đã buộc máy bay PAF phải vội vã rút lui và điều này đã được minh chứng bằng khoảng cách rất xa mà chúng thả vũ khí xuống".

"Trong quá trình giao chiến, việc PAF sử dụng F-16 và phóng đi nhiều tên lửa AMRAAM đã được ghi nhận một cách chắc chắn. Hành động kịp thời và chính xác của Su-30 nhằm đáp trả vụ phóng AMRAAM đã đánh bại loại tên lửa đó".

"Nhiều bộ phận của quả tên lửa rơi xuống vùng phía Đông Rajouri của bang Jammu và Kashmir làm một dân thường dưới mặt đất bị thương" - tuyên bố của IAF nêu rõ.

Tên lửa AIM-120 AMRAAM hiện vẫn là vũ khí không chiến chủ lực của Không quân Mỹ cùng nhiều quốc gia đồng minh, vậy tại sao Su-30MKI lại có thể sống sót một cách thần kỳ trước trận "mưa tên lửa" như vậy?

Theo suy đoán ban đầu, sở dĩ Su-30MKI tránh được tên lửa AIM-120 AMRAAM là nhờ nó được lắp đặt động cơ kiểm soát vector lực đẩy hai chiều AL-31FP mang lại sức cơ động rất tốt.

Nhưng kể cả như vậy thì khả năng chịu quá tải của Su-30MKI vẫn bị giới hạn lại ở mức 9G, quá nhỏ bé so với AIM-120 AMRAAM nên đây không thể là lý do thuyết phục.

Khả năng cao hơn đó là tên lửa AIM-120 AMRAAM không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ máy bay phóng trước khi đầu dò radar chủ động của nó bắt được mục tiêu, điều này cũng trùng với cáo buộc của Ấn Độ là tốp tiêm kích Pakistan đã bỏ đi từ rất sớm.

Thực tế chiến đấu cũng ghi nhận rằng chưa có máy bay tiêm kích nào bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn từ cự ly xa tới vậy, do liên kết giữa đạn và radar máy bay mẹ chưa đủ chính xác trên quãng đường xa.

Bên cạnh đó còn một giả thiết nữa cũng rất đáng quan tâm, đó là thực chất Pakistan không hề tung F-16 vào trận, lời cáo buộc của Ấn Độ chỉ nhằm khiến Mỹ ngừng cấp vũ khí cho Islamabad trong tương lai vì vi phạm thỏa thuận sử dụng mà thôi.

Nhận định trên là có cơ sở bởi Ấn Độ vẫn chưa đưa ra được "vô số" mảnh tên lửa AIM-120 AMRAAM rơi ở phía Đông Rajouri của bang Jammu và Kashmir như họ vẫn tuyên bố.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-phep-mau-nao-giup-su30mki-an-do-tranh-duoc-so-luong-lon-ten-lua-pakistan/801763.antd