'Phép nấu cơm ở đầu ngựa'

Một trong những sách dạy binh pháp cổ ở nước ta là 'Hổ trướng khu cơ' có nói đến 'phép nấu cơm ở đầu ngựa' khá lạ lẫm so với nghệ thuật quân sự hiện đại. Tuy nhiên, việc áp dụng cách đánh này đã được lịch sử quân sự nước ta đúc rút thành bài học chiến thắng ngoại xâm nhiều lần, tuy tên gọi có khác nhau: Thần tốc, tranh thủ thời gian vàng để địch không kịp trở tay.

Quan quân nhà Nguyễn. Ảnh chụp lại tác phẩm của H. Oger

“Phép nấu cơm ở đầu ngựa” là phép thứ 6 trong 9 “phép” của Thiên bộ chiến (Chiến đấu trên bộ) trong sách binh pháp trên. Cổ nhân đã có câu “Canh ba nấu cơm, canh năm quân trẩy”, nghĩa là việc quân gấp gáp, nếu chưa kịp nấu cơm thì làm thế nào? Vì thế, sách mới dạy cách nấu cơm ở đầu ngựa như sau:

Sai quân kỵ mã hoặc 200-300 người làm sẵn 200-300 đoạn ống tre tươi lớn, dài từ 3 đốt trở lên. Đốt thứ nhất làm có miệng, đốt dưới đẽo nhỏ cho tiện cầm. Lấy gạo, nước đổ vào ống tre rồi lấy gỗ nút miệng lại. Khi hành quân, truyền lệnh cho 300 người lên ngựa, binh khí treo ở yên ngựa. Mỗi người một tay cầm ống gạo, một tay cầm bó đuốc đốt ống gạo. Cho đến khi cơm chín. 300 kỵ binh đều no, hăng hái thêm lên, gặp giặc là đánh. Khi khát thì bẻ cành trám mà lấy nước uống.

Xem ra, “phép nấu cơm ở đầu ngựa” này đã đúc rút từ cách... nấu cơm lam của người Thái, người Mường ở miền núi nước ta. Từ binh pháp cổ truyền đã có thể rút ra bài học quý: phải tranh thủ thời gian một cách linh hoạt, thậm chí vừa hành quân vừa nấu cơm. Phải chăng người anh hùng dân tộc Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh cũng dùng chiến thuật hành quân thần tốc như vậy: Cứ 2 lính khiêng võng cho 1 lính ngủ thay phiên, vì thế, quân không bị mệt. Và như vậy, đoàn quân đi liên tục, chắc là phải vừa đi vừa nấu cơm. Theo nhiều nhà khoa học, một số lễ hội còn có tục thổi cơm thi, nổi lửa thổi cơm trong quang gánh, vừa gánh vừa thổi, ai khéo tay cơm ngon được giải. Tương truyền, đấy chính là một mô phỏng một cuộc hành quân xưa.

Bài học tranh thủ thời gian còn được áp dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đó, khẩu hiệu của Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” là mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính sự thần tốc đó mà quân đội ngụy quyền Sài Gòn trở tay không kịp.

Trong “Hổ trướng khu cơ” còn hướng dẫn quân sĩ cách làm “thuốc tiên chịu đói”. Bài thuốc này như sau: Đào nhân 4 lạng, cam thảo 1 cân, đỗ trọng 4 lạng, bạc hà 4 lạng, hạnh nhân 1 cân (nấu chín bỏ vỏ), tiểu hồi 4 lạng sao chín, phục linh 1 lạng, cát cánh 3 lạng. Các vị này tán nhỏ trộn đều. Mỗi lần dùng một nhúm ngậm ở trong miệng, gặp các cây cỏ như lá thông, lá bách nhá ngậm cho hòa ra nước mà nuốt với thuốc này thì nhan sắc như cũ, khí lực không kém. Đôi khi bài thuốc có gia giảm các vị, lại được tán nhỏ, luyện mật thành hoàn, lấy chu sa bọc ngoài. Mỗi lần dùng một viên, uống với nước lã, được một ngày không đói, đây là bài thuốc lạ.

Có lẽ, cách chế biến “thuốc tiên” như vậy còn được quân đội ta áp dụng trong nhiều chiến trận. Đó là các dạng “lương khô” để nhiều ngày. Trong chiến trận Điện Biên Phủ, quân đội và dân công đã làm các loại cơm nắm hoặc cơm vắt, để được vài ngày. Có những ngày đào hầm sát đồn giặc, không thể nấu cơm được, cứ thế mang ra mà ăn, rất tiện. Dần dà, món cơm nắm lại trở thành món ăn lạ miệng cho đến tận ngày hôm nay.

Trong chiến tranh chống Mỹ, thay cho các loại “thuốc tiên” chịu đói là các gói lương khô, để được lâu dài hơn, lại gọn nhẹ. Những ai đã từng qua các chiến trường ác liệt, chắc cũng có dịp ăn các loại lương khô đóng gói này. Tôi lại nhớ đến các chiến sĩ đặc công rừng Sác, ngay cạnh Sài Gòn, nhiều ngày dầm bùn để chuẩn bị đánh tàu chiến địch đậu ngoài cảng, với các anh, xa hậu phương, xa đồng đội, bữa ăn hằng ngày phải cần lương khô, thứ “thuốc tiên” góp phần không nhỏ vào chiến công. Thế rồi, với cuộc sống hiện đại, vẫn có những quầy hàng bán lương khô do các nhà máy quốc phòng sản xuất. Cũng tiện lợi và có vị ngon, lạ miệng. Chắc một số cựu binh xưa cũng thi thoảng ăn lại để nhớ về cuộc chiến năm nào. Lương khô còn là những bữa ăn rất cần thiết cho các chiến sĩ Biên phòng trong những đêm dài mật phục ở đường biên, những chiến sĩ Công an đánh án.

Cũng cần nói thêm về quyển binh pháp “Hổ trướng khu cơ”, có nghĩa là ngồi dưới trướng da hổ, chỉ nơi chỉ huy, mà bàn việc cơ mật trong quân đội. Sách do nhà quân sự, mưu sĩ đa tài Đào Duy Từ viết vào đầu thế kỷ XVII, khi ông đang giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong việc chống lại nhà Trịnh. Ông là một danh tướng, một nhà cải cách, một nhà thơ. Đào Duy Từ chính là một trong những Khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Quê ông ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay là làng Hoa Trai, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa. Nhưng sự nghiệp của ông lại bắt đầu từ những năm Nam tiến, ở làng Tùng Châu, xã Hoài Thanh (nay thuộc thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây), huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Chính tinh hoa của hai miền đất vốn được gọi là đàng ngoài, đàng trong đã hun đúc nên tài năng và công trạng của Đào Duy Từ.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phep-nau-com-o-dau-ngua/