Phép thử đối với đảng cầm quyền ở Pháp

Hôm nay (26-5), cử tri Pháp cùng cử tri ở 20 nước khác trong Liên hiệp châu Âu (EU) đi bỏ phiếu đợt cuối để bầu 74 đại diện tại Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2019-2024. Ðây là đợt bầu cử quan trọng không chỉ đối với cử tri Pháp trong việc bầu chọn các đại diện cho người dân Pháp tham gia cơ quan lập pháp của EU mà còn là cuộc 'kiểm tra qua bầu cử' lớn đầu tiên đối với Tổng thống E. Macron kể từ khi lên nắm quyền năm 2017.

Cuộc bầu cử EP diễn ra vào thời điểm EU đang phải đối mặt nhiều thách thức, bất an nhất kể từ khi các thiết chế của EU, trong đó có EP được thiết lập. Hàng loạt vấn đề từ phát triển kinh tế, an ninh, di cư, môi trường và nhất là giá cả tăng đột biến gây lo ngại ngày càng lan rộng đối với người dân ở EU, chủ yếu là ở Pháp.

Tình hình ở Pháp trong năm qua là một thí dụ điển hình về những thách thức chưa có đáp án để hóa giải dù Tổng thống E.Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đem lại sự thay đổi thật sự cho nước Pháp. Sự bất ổn về kinh tế, chính sách thắt lưng buộc bụng cùng việc xóa bỏ nhiều ưu đãi về an sinh - xã hội trong mấy năm qua đã khiến người dân tại nhiều khu vực cảm thấy như bị bỏ rơi. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến phong trào "áo vàng" bùng phát từ tháng 11-2018 nhằm phản đối các chính sách cải cách của chính phủ, và tạo điều kiện cho các đảng chống hội nhập nổi lên, trong đó có đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen .

Càng đến sát ngày bầu cử, cuộc đối đầu giữa các đảng ủng hộ một châu Âu hội nhập với các đảng cực hữu hoài nghi châu Âu, ủng hộ chủ nghĩa dân túy ngày càng căng thẳng. Dù thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017, đảng cực hữu của bà Marine Le Pen vẫn tiếp tục duy trì được sự ảnh hưởng. Ðảng RN đã tập trung, khai thác tối đa những vấn đề nan giải hiện nay của chính phủ cầm quyền, nhất là vấn đề nhập cư hiện đang trong tình trạng rất phức tạp ở Pháp để thu hút mối quan tâm của cử tri và đến thời điểm này chiến lược trên dường như vẫn đang phát huy tác dụng.

Các cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử cho thấy danh sách tranh cử của đảng RN tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu với tỷ lệ 24 đến 25%, dẫn trước liên minh của đảng cầm quyền Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) và Phong trào Dân chủ (MoDem), khoảng 22,5 đến 23%. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần qua, đảng RN đã có đà tiến 1,5%. Trong khi đó, các đảng khác chỉ ở mức dưới 10% như liên minh đảng châu Âu Sinh thái và đảng Xanh (8,5 đến 9%) và 7,5 đến 8% đối với đảng Nước Pháp bất khuất (LFI). Trong cuộc bầu cử lần này còn có sự tham gia của đại diện phong trào "áo vàng", dù tạo được sự chú ý của dư luận trong suốt nửa năm qua nhưng được dự báo không vượt quá 5%, một tỷ lệ bắt buộc để có ghế tại EP.

Lo ngại RN có khả năng giành nhiều ghế hơn liên minh của đảng cầm quyền, Tổng thống Pháp E. Macron đã phải trực tiếp tham gia vận động tranh cử cho đảng của mình. Theo nguyên tắc, tổng thống Pháp là người đại diện cho tất cả người dân Pháp chứ không phải của đảng phái nào, tuy nhiên, hình ảnh của ông E.Macron đã xuất hiện ở vị trí trung tâm trên các áp-phích tranh cử. Các nhà phân tích cho rằng, chính trường Pháp đã có sự thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2017 khi không có chính đảng nào hành động đủ mạnh để ngăn đà thăng tiến của phe cực hữu. Vì vậy, xu hướng ủng hộ các đảng phái hiện nay ở Pháp không rõ rệt, dẫn đến tình trạng bị động đối với đảng cầm quyền LREM.

Một điều dễ nhận thấy là, đợt bầu cử này tại Pháp có nhiều yếu tố khiến cho tỷ lệ ủng hộ dành cho phe tả hay hữu không rõ rệt vì có nhiều vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri. Các cuộc phỏng vấn do báo chí Pháp thực hiện hay các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy người dân Pháp không chỉ ủng hộ ứng cử viên có sáng kiến để giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội, nhập cư hay an ninh mà cả vấn đề môi trường.

Tỷ lệ đi bầu tại Pháp được dự báo ở mức rất thấp, có thể cao hơn 56% trong cuộc bầu cử năm 2014 vì nhiều cử tri không quan tâm với lý do là không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. RN có thể giành thắng lợi trước LREM và tạo sức ép lớn đối với chính phủ cầm quyền. Ðây là hai khả năng có thể tác động đến uy tín của đương kim Tổng thống Pháp vì nếu RN giành thắng lợi, kết quả sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách cải cách trong nước cũng như tham vọng thực hiện kế hoạch cải tổ châu Âu của ông E.Macron.

Theo kết quả thăm dò ý kiến mới được EP công bố, có tới 61% số công dân châu Âu cho rằng EU là quyết định đúng đắn. Tại Pháp, nhiều người vẫn ủng hộ hội nhập và hy vọng cuộc bầu cử này sẽ mang lại nhiều thay đổi cho cả châu Âu và nước Pháp trong thời gian sắp tới. Nếu LREM không giành thắng lợi trước đảng RN, Tổng thống Pháp E.Macron được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ để thực hiện các chính sách cải cách và chấm dứt phong trào phản đối hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40320302-phep-thu-doi-voi-dang-cam-quyen-o-phap.html