Phép thử lòng tin trước ngày Hải Phát ra biển lớn

Hải Phát Invest chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Nhưng lúc này, sóng gió ở sản phẩm Hải Phát vẫn âm ỉ đốt cháy lòng tin.

Quyết tâm ra biển lớn

Ngày 6/6/2018, ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) đã có buổi gặp gỡ với những công ty chứng khoán, quỹ đầu tư trước thời khắc niêm cổ phiếu HPX trên sàn chứng khoán.

Tại buổi gặp, ông Đoàn Hòa Thuận - Phó TGĐ Hải Phát Invest chia sẻ, để tạo cú hích lớn trong thời khắc niêm yết cổ phiếu (dự kiến cuối tháng 6/2018) sắp tới đơn vị sẽ mua thêm 40% tại Cienco 5 và Hải Phát Thủ Đô để gia tăng sở hữu ở 2 công ty này. Nguồn vốn sẽ được huy động thông qua tín dụng từ các ngân hàng hoặc các nguồn tài trợ khác.

Bên cạnh đó, Hải Phát Invest còn phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo kỳ hạn 5 năm với quy mô 1.000 tỷ đồng. Từ đó, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ hiện tại lên thành 2.500 tỷ đồng.

Hải Phát Invest đang quyết tâm thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Về phía đơn vị tư vấn, Hải Phát Invest lựa chọn Quỹ Đầu tư Dragon Capital và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC).

Trong đó Dragon Capital trực tiếp trở thành cổ đông chiến lược và hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Hải Phát Invest, còn HSC sẽ thực hiện tất cả các công việc có liên quan theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để Hải Phát Invest niêm yết thành công toàn bộ cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Thành lập từ 2003, vốn ban đầu của Hải Phát Invest chỉ có 8 tỷ đồng. Đến năm 2011 số vốn này đã tăng lên 750 tỷ đồng.

Nhưng có lẽ vì quá ôm đồm nhiều dự án sáp nhập và mua bán trong bối cảnh thị trường BĐS xuất hiện bong bóng khiến Hải Phát Invest lâm vào tình cảnh khó khăn, các dự án trì trệ, ngừng thi công, khách hàng mất niềm tin, tranh chấp kéo dài.

Trước khó khăn, Hải Phát Invest phải bán đi một số dự án để duy trì vốn hoạt động. Đến năm 2014, Hải Phát Invest bắt đầu hồi sinh, lấy lại niềm tin của khách hàng bàng các dự án BĐS bàn giao vượt tiến độ.

Từ đó, hàng loạt dự án khác của Hải Phát Invest triển khai gây được tiếng vang lớn như The Pride, KĐT Văn Phú, Khu nhà ở xã hội The Vesta...

Người chủ của Hải Phát Invest còn bật mí, trong tương lai hàng loạt các quỹ đất của công ty ở Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nam Định... sẽ tiếp tục được triển khai.

Không chỉ có màu hồng

Trong thời khắc quan trọng này của Hải Phát Invest lại xuất hiện nhiều thông tin khiến lòng tin của khách hàng bị ảnh hưởng bởi các sự cố tại các dự án liên tiếp nổ ra.

The Pride được coi là biểu tượng của Hải Phát Invest, đánh dấu cho sự hồi sinh của doanh nghiệp sau quãng thời gian khó khăn.

Nhưng vào ngày 3/6/2018, hàng chục người dân sống tại The Pride đã không quản ngại thức đêm ngồi đối thoại với đại diện Hải Phát Invest về những bất cập như tháng máy rơi tự do, phí bảo trì "mất tích" nhiều năm, phí dịch vụ đắt đỏ, bể phốt vỡ bốc mùi hôi thối...

Cư dân sống tại chung cư The Pride căng băng rôn yêu cầu Hải Phát Invest giải quyết những bức xúc vào tối ngày 3/6.

Những bức xúc của người dân sống tại The Pride còn khiến họ phải căng băng rôn phản đối. Trong khi đối lại, phía Hải Phát Invest trả lời bằng những câu từ chung chung, rằng sẽ rà soát, đánh giá, tiếp tục xử lý.

Còn tại dự án Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội), bức xúc của người dân đã nhiều lần đẩy lên tới đỉnh điểm.

Các vấn đề về hệ thống PCCC, thiết kế, thang máy, diện tích sử dụng chung - riêng, hạ tầng kém... liên tục được đưa ra nhưng không có biến chuyển.

Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra những tố cáo vi phạm nghiêm trọng tại dự án này của Hải Phát.

Dự án Roman Plaza (Lê Văn Lương, TP. Hà Nội) cũng một quãng thời gian lùm xùm về việc Hải Phát nợ hàng trăm tỷ đồng tiền quỹ đất khiến dự án bị ảnh hưởng tiến độ.

Dù các sự cố này do yếu tố khách quan hay chủ quan thì cũng khiến cho lòng tin của khách hàng vào Hải Phát bị sụt giảm nghiêm trọng.

Chính vì thế, quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Hải Phát Invest được coi là bước đi táo bạo, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đã từng thực hiện điều này nhưng không phải ai cũng thành công.

Theo thống kê năm 2017, ngoài 36 doanh nghiệp BĐS có tăng trưởng lợi nhuận, thì cũng còn 13 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm và số lượng tương tự thua lỗ.

Ghi nhận thực tế của các công ty chứng khoán, trong thời gian vừa qua, rất ít doanh nghiệp BĐS tạo ra lợi nhuận đủ lớn để vừa tái đầu tư, vừa trả cổ tức cho cổ đông.

Theo đó, đa phần khi thực hiện thành công một dự án, các doanh nghiệp phát triển BĐS sẽ đầu tư phần lớn số tiền thu được cho dự án tiếp theo có chi phí đất và chi phí hoàn thiện cao hơn.

Ngoài ra, kể từ năm 2006 đến 2017, lưu chuyển tiền nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư phần lớn là âm để mở rộng tài sản và dự án mới.

Tiến Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/phep-thu-long-tin-truoc-ngay-hai-phat-ra-bien-lon-3359583/