Phép thử tư duy quản trị doanh nghiệp kiểu Elon Musk tại Twitter

Theo tờ Economist, tiếp quản và lãnh đạo Twitter là một phép thử công khai đối với phong cách quản lý kiểu Elon Musk...

Ảnh minh họa: Economist

Vào cuối tháng 10, tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, chính thức tiếp quản Twitter sau khi hoàn tất thương vụ mua lại với giá 44 tỷ USD. Bỏ qua những lùm xùm về động thái “quay xe” trước đó của vị tỷ phú, thương vụ này làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Về chính sách: Liệu có hợp lý khi người giàu nhất thế giới sở hữu một diễn đàn công khai quan trọng như Twitter - nơi nhiều nguyên thủ quốc gia, chính trị gia, người nổi tiếng sử dụng làm nơi chia sẻ thông tin?

Về luật pháp, liệu quyết định sa thải hàng nghìn nhân viên Twitter của ông Musk chỉ vài ngày sau khi tiếp quản mạng xã hội này có hợp pháp?

Về chiến lược, liệu Twitter có thể kiếm tiền bằng cách chuyển đổi từ mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo sang mô hình dựa trên thuê bao đăng ký?

Theo tờ Economist, đây cũng là một phép thử công khai đối với phong cách quản lý kiểu Elon Musk. Với lối tư duy về công việc, ra quyết định cũng như vai trò của một người điều hành, ông Musk đang “bơi ngược dòng”.

“Thái độ của ông ấy với nhân viên là một ví dụ rõ ràng về cách tiếp cận phản văn hóa của tỷ phú này. Dù là một người theo chủ nghĩa tương lai, ông Musk dường như là một ông chủ lỗi thời”, tờ Economist nhận xét.

Đầu năm nay, với cương vị CEO Tesla, ông Musk gửi mail cho toàn thể nhân viên yêu cầu họ phải có mặt tại văn phòng ít nhất 40 giờ mỗi tuần. Đăng tải trên Twitter, ông nói rằng bất kỳ ai cho rằng việc này là lỗi thời chính là những người đang “đang giả vờ làm việc”.

Nhiều chuyên gia nhận định bất kể quyết định sa thải hàng loạt nhân viên của Twitter có hợp pháp hay không, cách làm của ông rất thô bạo. Hơn một nửa trong số 7.500 nhân viên của Twitter đột ngột bị sa thải bằng một email mạo danh và lập tức bị khóa tài khoản công ty. Còn những người ở lại đối mặt với áp lực và sự rối ren. Theo nguồn tin nội bộ, hành động đồng tiên của ông Musk tại Twitter là hủy bỏ chính sách “ngày nghỉ ngơi” đang được thực hiện trên toàn công ty.

Elon Musk gây ra nhiều hỗn loạn khi vừa mới tiếp quản Twitter - Ảnh: Getty Images

Hôm thứ Tư, ông Musk gửi email cho toàn thể nhân viên Twitter nói rằng: “Trong tuần này họ phải cực kỳ chăm chỉ, tức là phải làm việc nhiều giờ với cường độ cao”, theo tờ Washington Post đưa tin. Và nhân viên Twitter có thời hạn tới thứ Năm để đồng ý với việc này hoặc nghỉ việc.

Câu hỏi đặt ra là, liệu cách làm này có mang lại hiệu quả ở Twitter hay không? Tầm nhìn của anh ấy đối với Twitter là xem đây như một “quảng trường kỹ thuật số của thành phố”, nơi tự do ngôn luận được phát triển mạnh mẽ. Lần này, ông ấy muốn thay đổi một công ty đang phát triển bình thường - nơi khả năng phán đoán và vấn đề chính trị cũng quan trọng không kém vấn đề kỹ thuật.

Phong cách ra quyết định của ông Musk là không quan tâm tới sự đồng thuận. Theo một nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Đại học Harvard được công bố năm 2020, những ông chủ sử dụng các quy trình rõ ràng hơn thường có xu hướng điều hành những doanh nghiệp lớn hơn và tăng trưởng nhanh hơn. Họ cũng có xu hướng ra quyết định chậm hơn.

Tuy nhiên, ông Musk và các cộng sự của mình lại ở trường phái khác, với việc ra quyết định nhanh, phi chính thức và quyết liệt. Điều này có thể thấy rõ ở việc vừa qua Twitter đã gọi nhiều nhân viên quay lại chỉ ít ngày sau khi sa thải họ.

Trên thực tế, kể cả những người hay chỉ trích Musk cũng phải nhìn nhận rằng phong cách quản lý kiểu “làm theo cách của tôi, nếu không hãy nghỉ việc” của ông từng mang lại hiệu quả. Tại các công ty khác như Tesla và SpaceX, ông Musk có thể không có sự cảm thông với nhân viên nhưng ông tạo ra một ý thức hệ chung về mục đích lớn lao của công ty, từ phổ biến xe điện cho đến khai phá sao Hỏa.

Tuy nhiên, tại Twitter, vấn đề lớn nhất đối với ông Musk là những thách thức của công ty này không giống với những mục tiêu cụ thể và dễ lý giải ở các doanh nghiệp khác của ông. Với Twitter, vấn đề mà ông cố gắng giải quyết là con người. Vì vậy, nhiều người nhận xét ông đang lúng túng giống như một giáo sư vật lý làm giáo viên dạy thay ngoài giờ môn tiếng Anh. Xử lý các vấn đề liên quan tới nhiều con người không giống như hành động với khoa học tên lửa, mà khó hơn nhiều.

Theo ông Melvin Smith, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Quản lý Weatherhead thuộc Đại học Case Western Reserve, nhiều người sai lầm khi cho rằng có mối tương quan giữa phong cách lãnh đạo của ông Musk với sự thành công tại các các doanh nghiệp khác của ông.

"Ông ấy có thể thành công trong một số trường hợp bất chấp khả năng lãnh đạo của mình, chứ không phải nhờ phong cách lãnh đạo đó”, vị giáo sư nhận xét.

Hoài Thu -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phep-thu-tu-duy-quan-tri-doanh-nghiep-kieu-elon-musk-tai-twitter.htm