Phép thử với Tổng thống Pháp sau 4 tháng cầm quyền

Sáng 24-9, các đại cử tri Pháp đã bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu lại khoảng một nửa số ghế trong Thượng viện. Cuộc bầu cử được đánh giá là một phép thử với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau 4 tháng cầm quyền.

Thượng viện Pháp gồm 348 thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Bầu cử Thượng viện thường diễn ra 3 năm một lần. Năm nay số thượng nghị sĩ được bầu mới là 171 với 1.996 ứng cử viên. Có tổng cộng 76.359 đại cử tri có quyền tham gia cuộc bầu cử này. Các đại cử tri là những nghị sĩ và ủy viên hội đồng được bầu chọn ở địa phương.

Sự kiện này được đánh giá là một cuộc bỏ phiếu quan trọng đối với kế hoạch cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron, đồng thời cũng là một phép thử với nhà lãnh đạo trẻ tuổi sau 4 tháng cầm quyền. Cuộc bầu cử sẽ quyết định việc Tổng thống Emmanuel Macron có tập hợp đủ số thượng nghị sĩ của đảng mình hoặc liên minh để giành được đa số phiếu ủng hộ trong Nghị viện hay không, bởi đây là một điều kiện tiên quyết để các chương trình cải cách của Tổng thống được thông qua nhanh chóng.

Tổng thống Emmanuel Macron (giữa) cùng với công chúng Pháp thăm Điện Elysee ngày 17-9. Ảnh: Reuters.

Cuộc bầu cử diễn ra khi sự hài lòng của cử tri đối với ông Emmanuel Macron đã giảm đáng kể so với khi ông nhậm chức hồi tháng 5. Cuộc thăm dò dư luận cuối tháng 8 vừa qua của Ifop thuộc tờ báo Le Journal du Dimanche (JDD) đưa ra kết quả cho thấy sự không hài lòng của cử tri Pháp đối với ông Emmanuel Macron đạt mức 57%, tăng 14% so với cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7 của công ty này. Rất nhiều đại cử tri có quyền đi bầu cử Thượng viện gần đây đã tỏ ra không hài lòng với các cải cách của chính phủ, nhất là liên quan đến việc làm, tiền trợ cấp, thuế nhà ở. Cách đây vài ngày, Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã chính thức ký ban hành luật cải cách lao động sau 4 tháng thúc đẩy cũng như vấp phải sự phản đối của người dân. Chính vì vậy, người ta bắt đầu e ngại rằng kết quả của cuộc bầu cử này, nếu như bất lợi đối với Tổng thống, sẽ được hiểu là một sự phản đối chính sách điều hành của ông.

Theo Reuters, Đảng "Nền Cộng hòa tiến bước" (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron cần có 180 ghế trong Thượng viện để giành được đa số trong Nghị viện. Cách đây hơn một tháng, LREM vẫn còn hy vọng sẽ đạt được điều kiện này chỉ với các nghị sĩ thuộc đảng. Tuy vậy sau đó, LREM đã phải giảm tham vọng của mình sau khi chỉ số tín nhiệm của dân chúng đối với ông Emmanuel Macron sụt nhanh đến bất ngờ. Từ dự kiến đạt được 50 số ghế trong Thượng viện, ông François Patriat, chủ tịch nhóm thượng nghĩ sĩ Đảng LREM, hiện chỉ hy vọng có được 29 ghế.

Theo một nguồn tin thân cận, Tổng thống sẽ theo dõi sát sao cuộc bầu cử Thượng viện. Điện Elyseé không còn nhắm vào mục tiêu nhóm đa số trong Thượng viện nữa, mà cố gắng tác động đến nhiều nhóm nghị sĩ khác nhau, cho dù thuộc cánh tả hay cánh hữu. Mục tiêu là tận dụng sự chia rẽ có thể xảy ra ngay sau cuộc bầu cử nhằm tạo ra các liên minh chính trị, giống như những gì đã xảy ra sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 vừa qua.

Sau ngày 24-9, Tổng thống sẽ phải nỗ lực giành lại sự tin tưởng của các Thượng nghị sĩ, vốn dĩ đã bị sứt mẻ thời gian qua sau quyết định hủy bỏ khoản tài trợ 300 triệu euro của Nhà nước đối với chính quyền địa phương. Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher khẳng định: "Tổng thống sẽ phải lắng nghe các đại diện của các cộng đồng lãnh thổ địa phương nhiều hơn nữa".

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/phep-thu-voi-tong-thong-phap-sau-4-thang-cam-quyen-518699