Phi công ngắt nhầm nguồn điện khiến máy bay gặp nạn, 72 người thiệt mạng

Ngày 28/12, Chính phủ Nepal công bố báo cáo điều tra vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến 72 người thiệt mạng hồi đầu 2023. Theo đó, nguyên nhân là do chính phi công ngắt nhầm nguồn điện.

Chiếc máy bay ATR-72 của hãng hàng không Yeti Airlines (Nepal) đã rơi ngay trước khi hạ cánh xuống thành phố du lịch Pokhara ngày 15/1. Phi cơ đang hạ độ cao ở khoảng 3.800 mét thì bất ngờ nghiêng 90 độ sang trái và lao thẳng vào hẻm núi cạnh sông Seti.

Vụ tai nạn thảm khốc khiến toàn bộ 72 người trên chuyến bay thiệt mạng, trong đó có hai trẻ sơ sinh, bốn thành viên phi hành đoàn và 15 người nước ngoài.

Xác máy bay ATR-72 sau vụ tai nạn thảm khốc ngày 15/1 khiến 72 người thiệt mạng (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin từ Reuters, phi công thực hiện chuyến bay gồm cơ trưởng Kamal KC và cơ phó Anju Khatiwada. Trong đó, chồng của cơ phó Anju Khatiwada cũng từng là phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn của Yeti Airlines vào năm 2006.

Theo ông Dipak Prasad Bastola, kỹ sư hàng không, thành viên hội đồng điều tra, cho biết do thiếu kiến thức và thực hiện không đúng quy trình nên phi công đã gạt nhầm cần điều khiển.

Điều này khiến động cơ không tạo ra lực đẩy, nhưng do động lượng nên máy bay đã lao thẳng vào hẻm núi chỉ sau 49 giây.

72 người đã thiệt mạng trên chuyến bay của hãng hàng không Yeti Airlines, do phi công gạt nhầm cần điều khiển (Ảnh: Reuters)

Đây là vụ tai nạn hàng không nguy hiểm nhất là Nepal kể từ năm 1992, khi chiếc Airbus A300 của hãng hàng không quốc tế Pakistan đâm vào sườn đồi trên đường tới Kathmandu khiến toàn bộ 167 người trên máy bay thiệt mạng.

Thực tế tại Nepal, kể từ năm 2000 đã có gần 350 người đã thiệt mạng vì tai nạn máy bay. Kể từ năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hãng hàng không Nepal vào không phận nước này do lo ngại về an toàn.

Trước vấn đề này, nhiều năm qua, Nepal đã tăng cường nỗ lực cải thiện an toàn hàng không, bao gồm xây dựng cải tiến hạ tầng sân bay, nâng cấp thiết bị an toàn và thúc đẩy văn hóa an toàn hàng không.

Sự cải thiện đáng kể trong an toàn hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế của Nepal đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ghi nhận vào năm 2018. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải cách ngành hàng không để đảm bảo an toàn cao nhất.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phi-cong-ngat-nham-nguon-dien-khien-may-bay-gap-nan-72-nguoi-thiet-mang-192231229112256264.htm