Phi hành gia có thể bị ung thư dạ dày khi đến sao Hỏa?

Nghiên cứu mới của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho thấy một cuộc tấn công của bức xạ vũ trụ nhằm vào những du khách không gian sẽ trở thành trở ngại lớn để con người tiếp cận hành tinh đỏ.

Theo tờ Telegraph, việc thực hiện chuyến đi đến sao Hỏa hoặc xa hơn có khả năng dẫn đến suy giảm chức năng dạ dày lâu dài như hấp thụ dinh dưỡng hoặc ung thư .

Các nhà khoa học đã khám phá ra sau khi thực hiện nghiên cứu kiểm tra so sánh những con chuột tiếp xúc các ion sắt nặng, tiếp xúc với tia gamma, và nhóm không chịu bất cứ loại bức xạ nào.

Nghiên cứu mô phỏng những gì các phi hành gia có thể bị nhiễm sau nhiều tháng trong không gian.

Kết quả cho thấy chuột có chứa các hạt sắt tích điện, một trong những dạng bức xạ vũ trụ có hại nhất. Các tế bào đường ruột từ những con chuột có chứa ion nặng không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng và hình thành các khối u gây ung thư.

Trong khi đó tia gamma chỉ tạo ra những ảnh hưởng nhỏ trên các tế bào của ruột non, và nó có thể tự hồi phục sau 60 ngày.

Các nguyên tử và phân tử mang điện tích gọi là ion, ion nặng như sắt, silicon hoạt động như những viên đạn nhỏ, chuyển động nhanh và có tính hủy diệt nhiều hơn tia X và tia gamma. Cuộc sống trên Trái Đất khiến con người được bảo vệ khỏi các ion nặng.

Tiến sĩ Kamal Datta, từ Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành của NASA tại Đại học Georgetown ở Washington DC, Mỹ cho biết: "Với công nghệ che chắn hiện đại, rất khó để bảo vệ các phi hành gia khỏi những tác động bất lợi của các bức xạ ion nặng. Mặc dù có thể có cách sử dụng thuốc để chống lại những tác dụng này nhưng hiện chưa có hãng nào sản xuất. Trong chuyến du hành ngắn ngày như thời gian thực hiện nhiệm vụ tới Mặt Trăng khả năng các tia bức xạ ảnh hưởng đến phi hành gia không đáng kể, không gây sát thương lớn. Mối nguy hại chủ yếu ở các chuyến đi dài ngày như chuyến du hành tới sao Hỏa hoặc xa hơn".

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phi-hanh-gia-co-the-bi-ung-thu-da-day-khi-den-sao-hoa-post278968.info