Phía sau án phạt 11 cầu thủ Đồng Tháp của VFF

Sau nhiều ngày chờ đợi, rốt cuộc Ban kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa ra án phạt 11 cầu thủ U.21 Đồng Tháp vì tham gia tổ chức cá độ bóng đá tại Giải U.21 quốc gia 2019.

Trong đó, cầu thủ cầm đầu Huỳnh Văn Tiến bị phạt 5 triệu đồng và cấm thi đấu 5 năm; 10 cầu thủ còn lại phải nộp phạt 2,5 triệu đồng và bị “treo giò” 6 tháng...

1. Đầu tiên cần phải thừa nhận, án phạt trên dành cho cầu thủ U.21 Đồng Tháp là đúng người, đúng tội. Nói là nặng thì cũng không phải, nói là nhẹ cũng không đúng. Ngoại trừ Văn Tiến (cấm 5 năm coi như chấm dứt sự nghiệp), 10 cầu thủ còn lại có nhiều cơ hội để làm lại từ đầu và thậm chí họ có thể tái xuất tại Giải U.21 quốc gia 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới. Bị cấm thi đấu không đồng nghĩa với việc họ sẽ không được tập luyện, rèn thể lực mỗi ngày.

Sau nhiều năm, bóng đá Đồng Tháp mới lại có một lứa cầu thủ chất lượng thế này. Trong số 11 cầu thủ bị phạt trên thì có 4 người từng thi đấu ở các đội tuyển trẻ quốc gia gồm: Trần Công Minh, Nguyễn Nhật Trường, Võ Minh Trọng và Kha Tấn Tài. Và 5 trong số này đang là nhân tố quan trọng của CLB Đồng Tháp tham dự Giải hạng Nhất quốc gia 2020. Trong đó, Trần Công Minh được mệnh danh là “thần đồng” của bóng đá Đồng Tháp, từng được HLV Park Hang-seo và các chuyên gia bóng đá Việt Nam đánh giá rất cao bởi lối chơi thông minh, sự nhanh nhẹn. Võ Minh Trọng từng ghi bàn duy nhất từ chấm phạt góc giúp U.19 Việt Nam thắng U.19 Malaysia tại vòng chung kết Giải U.19 Đông Nam Á 2019. Có thể thấy, án phạt trên của VFF đã khiến bóng đá Đồng Tháp rơi vào tình trạng điêu đứng. Tất cả những kế hoạch, lộ trình của bóng đá Đồng Tháp đều phải tính toán và làm lại từ đầu.

 Trần Công Minh (bên phải) được mệnh danh là “thần đồng” của bóng đá Đồng Tháp. Ảnh: ĐÌNH VIÊN

Trần Công Minh (bên phải) được mệnh danh là “thần đồng” của bóng đá Đồng Tháp. Ảnh: ĐÌNH VIÊN

2. Điều mà chúng ta băn khoăn trong án phạt 11 cầu thủ Đồng Tháp của VFF là không nói đến trách nhiệm của những người lãnh đạo, đặc biệt là các huấn luyện viên (HLV). Đạo đức cầu thủ trẻ phụ thuộc vào những người thầy trực tiếp giảng dạy. Cầu thủ sẽ nhận thức đúng sai và không hư hỏng nếu được HLV sâu sát, tận tình truyền đạt chuyên môn nghề nghiệp lẫn kinh nghiệm sống. Nếu cầu thủ mắc sai lầm thì chính HLV, ban lãnh đạo đội bóng cần có những biện pháp răn đe, phạt nặng để làm gương cho những lứa sau này. Điều đáng nói, sau khi vụ việc bị vỡ lở thay vì tố giác và răn đe học trò thì những người có trách nhiệm lại chọn cách xử lý nội bộ, lấp liếm để sự việc nhanh chóng qua đi. Chỉ khi báo chí vào cuộc, các phụ huynh bức xúc, VFF yêu cầu giải trình thì CLB Đồng Tháp mới gửi hồ sơ nhưng chưa thật đầy đủ.

Thừa nhận Văn Tiến là người cầm đầu dẫn dắt các cầu thủ còn lại, nhưng một mình Văn Tiến không thể nào “đạo diễn” được mọi chuyện. Nhất là câu chuyện tiêu cực của cầu thủ Đồng Tháp đã được phản ánh từ lâu, thậm chí là xuất hiện cả ở Giải hạng Nhì quốc gia 2019. Người hâm mộ mong muốn VFF làm rõ liệu có một đường dây nào đó đang thao túng cầu thủ trẻ Đồng Tháp? Có hay không việc HLV, ban lãnh đạo đã buông lỏng quản lý, giáo dục cầu thủ chưa đến nơi đến chốn? Rồi trách nhiệm của các HLV, lãnh đạo đội bóng đến đâu ở trong vụ việc này? Liên quan đến những tiêu cực của cầu thủ trẻ Đồng Tháp tại Giải hạng Nhì quốc gia 2019 đã bị tố cáo trước đó, phía VFF khẳng định không có đủ chứng cứ. Tuy nhiên, VFF có thể chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra để có thể mở rộng phạm vi, thay vì “khép án” nhanh như vậy?

3. Vụ việc 11 cầu thủ trẻ của Đồng Tháp bị cấm thi đấu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam. Lâu nay nhiều CLB vẫn mới chỉ tập trung vào khâu đào tạo chuyên môn mà quên đi một nhiệm vụ quan trọng hơn cả là giáo dục cầu thủ về văn hóa, cách ứng xử trong xã hội. Hầu hết các cầu thủ dính án phạt trên thì hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn. Thậm chí gia đình tiền vệ Trần Công Minh còn đang định cư ở Mỹ, riêng cầu thủ này ở lại quê nhà để tiếp tục niềm đam mê với trái bóng. Các em vẫn còn nhỏ, chưa ý thức hết được hậu quả của những việc mình làm. Nếu như nhận được sự sâu sát của các HLV, được đào tạo tử tế về văn hóa thì chắc chắn sẽ không có chuyện đáng buồn này xảy ra.

Án phạt trên của VFF vẫn chưa khiến người hâm mộ “tâm phục khẩu phục”. Con trẻ mắc lỗi thì trách nhiệm phần nhiều thuộc về người lớn. Thà chúng ta mất một lứa cầu thủ chất lượng, mất một số HLV say nghề còn hơn để “bóng ma” tiêu cực cứ lởn vởn quanh các giải đấu mà chưa thể tiêu diệt.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/phia-sau-an-phat-11-cau-thu-dong-thap-cua-vff-617772