Phía sau cái camera quay lén lớp học

Giáo viên nên biết ở đâu, lúc nào cũng có 'camera giấu kín'; clip có thể không xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chắc chắn xuất hiện trong tâm của mỗi người.

Trao đổi với báo chí sáng 7/10, cô N.H.H - người xuất hiện trong clip giáo viên đánh, kéo tai học trò thừa nhận, hình ảnh clip như mọi người đã thấy, cô đã sai không thể bao biện vì quy định không được phép đánh học sinh dù thế nào đi nữa. Tuy nhiên, về clip trên mạng, theo cô H., đó chỉ là một chiều...

Cô H. cho biết, tuần đầu tiên là nhập học, cô nhắc nhở học sinh rất nghiêm khắc. Sang tuần tiếp đó, nhiều học sinh không làm bài, viết bài, nói chuyện... nên cô rất nóng giận, mất kiểm soát.

"Tôi đánh là để các em nghiêm túc chứ không phải là đánh có ý bạo hành nhưng hành vi của mình là sai", cô nói.

Theo lời chia sẻ của cô H., mới học lớp 2 nhưng nhiều em chửi thề, nói chuyện riêng, không chịu viết bài, có em giả chữ ký phụ huynh, tùy thuộc vào gia đình nữa. Giáo viên dạy không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy lời ăn tiếng nói cho các em.

"Trong clip, mọi người đánh giá tôi dùng những lời lẽ không đúng, chửi bởi học sinh thật ra chỉ là một chiều. Không phải mình chửi bới học sinh mà nói để các em phân biệt, nhận biết.

Ví dụ tôi nói với các em con vật không có lỗ tai nên người ta mới lấy cái roi quất, còn mình là con người phải khác. Tôi nói với ý khác nhưng đưa lên, nghe lên được diễn giải là như đang chửi học sinh", cô H. trần tình.

Một hành động bạo lực của cô giáo H. đối với học sinh của lớp 2/11, trường Phan Chu Trinh (ảnh cắt từ video clip)

Một hành động bạo lực của cô giáo H. đối với học sinh của lớp 2/11, trường Phan Chu Trinh (ảnh cắt từ video clip)

Theo nguồn tin của Dân trí, cô N.H.H. chính là người đã đứng ra khiếu nại, tố cáo những sai phạm của hiệu trưởng nhà trường.

Cụ thể, từ năm 2017, cô H. tố cáo một số các sai phạm trong công tác quản lý, điều hành nhà trường của bà Đ.T.S. - Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh. Theo cô H, từ đó hiệu trưởng có nhiều hành động trù dập, gây khó khăn cho mình trong quá trình công tác.

Vào giữa tháng 8/2019, Ủy ban nhân dân Quận Tân Phú ký thông báo số 188/TB-UBND, về kết quả giải quyết tố cáo của công dân đối với bà bà Đ.T.S, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh.

Theo đó, hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú kê khai thêm phụ trội giờ của giáo viên, với tổng số tiền là gần 840 triệu đồng.

Tuy nhiên, do chưa đồng ý với một số điều của thông báo 188 này, cô H. đang tiếp tục làm khiếu nại, chuyển hồ sơ của vụ việc này lên cấp cao hơn. Đang trong quá trình này thì xuất hiện clip cô đánh, kéo tai, phạt trẻ.

Phía trước cái camera đã tương đối rõ ràng; cô giáo đã nhận lỗi. Cô giáo H. đang chịu nhiều áp lực do cô tố cáo tiêu cực, một hành động dũng cảm, đáng trân trọng. Càng đẹp hơn, nếu cô làm chủ được cảm xúc của mình không để xảy ra chuyện đáng tiếc này.

Phía sau cái camera, đã xảy ra chuyện gì?

Nếu là người ngoài vào lắp đặt camera, không được sự nhất trí của hiệu trưởng nhà trường, chứng tỏ công tác quản lý, bảo vệ của nhà trường không đảm bảo.

Nếu camera quay lén do chỉ đạo của hiệu trưởng, hình ảnh để giáo dục thuộc cấp, có thể là điều bình thường khi giáo viên “cãi cối, cãi chày”, khó giáo dục.

Nếu camera quay lén, đối tượng nhắm đến là người đang tố cáo tiêu cực, tố cáo hành vi tham nhũng của hiệu trưởng; giáo viên bạo hành đã xấu, người tổ chức quay lén xấu gấp bội phần.

Qua câu chuyện này, pháp luật cần có chế tài về việc lắp đặt camera nơi công cộng; lắp camera góp phần quản lý công sở, điều chỉnh hành vi công dân; camera phải công khai, không lén lút.

Không ít trường học đã lắp đặt camera trong lớp học; camera lắp công khai, không lén lút; hiệu trưởng ngồi ở phòng trung tâm có thể biết giáo viên đang làm gì, học sinh học ra sao; thời gian đầu cũng gò bó, sau cũng bình thường, góp phần giáo dục cả thầy và trò.

Chia sẻ về hành vi bạo hành học trò, cô Tô Thụy Diễm Quyên- Ceo Innedu Steam có viết:

“Khi một số người lớn kém cỏi bực dọc trước những đứa trẻ thiếu tính tự giác, thiếu thông minh, chưa ngoan sẽ lựa chọn cách ứng xử dễ dàng đó là bộc lộ cảm xúc tiêu cực của mình, tước đi quyền làm người của đứa trẻ và sử dụng bạo lực với chúng.

Những người này tự bao biện rằng mình đánh đứa trẻ là vì có lý do. Đó là những người lựa chọn dễ dàng. Là những người thiếu phương pháp và chưa đủ tình yêu với bọn trẻ.

Nếu vậy, họ không nên lựa chọn nghề giáo mà hãy chọn những nghề không ảnh hưởng đến sự phát triển của người khác.

Những người lựa chọn ứng xử bằng bạo lực không hiểu rằng họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích với bạo lực.

Con người chúng ta luôn thực hiện hành vi bởi một trong ba lý do: tạo ra sự sợ hãi, làm cho đối tượng hiểu ra vấn đề, làm cho đối tượng yêu thích vấn đề.

Là một người thầy bạn cần phải làm cho đối tượng tức là học sinh của mình thực hiện hành vi ở cấp độ hai và cấp độ ba của nguyên nhân hình thành hành vi. Có như vậy mới đạt được mục đích của giáo dục là làm cho con người có tính tự giác, tự chủ.

Bạn sẽ không thể đi theo đứa trẻ đó mãi mãi để tạo ra sự áp đặt và sự sợ hãi. Vì vậy chỉ có một lựa chọn đó là làm cho đứa trẻ hiểu và yêu thứ mà nó cần phải thực hiện”.

Số giáo viên bạo hành học trò không nhiều, con sâu làm rầu nồi canh, dù có quay lén, cũng không nhiều giáo viên bị đuổi việc.

Với thời đại 4.0, mỗi giáo viên nên biết ở đâu, lúc nào cũng có “camera giấu kín”; clip có thể không xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chắc chắn xuất hiện trong lương tâm của mỗi người; clip trong lương tâm khó xóa lắm!

Vì vậy chỉ có một lựa chọn đó là làm cho đứa trẻ hiểu và yêu thứ mà nó cần phải thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

1://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/co-giao-danh-keo-tai-hoc-tro-toi-sai-nhung-clip-chi-moi-mot-chieu-20191007132617417.htm

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phia-sau-cai-camera-quay-len-lop-hoc-post203164.gd