Phía sau câu chuyện Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad & Tobago

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Trinidad & Tobago luôn cảm phục trước tinh thần của Việt Nam và coi việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một mốc son trong chính sách đối ngoại.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đại sứ Dennis Francis ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trinidad & Tobago.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đại sứ Dennis Francis ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trinidad & Tobago.

Thưa Đại sứ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad & Tobago ở thời điểm hiện tại có ý nghĩa như thế nào?

Với việc thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với Trinidad & Tobago ngày 1/2/2023, Việt Nam đã chính thức có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, bao gồm toàn bộ 35 quốc gia châu Mỹ, trong đó có 13 nước vùng Caribbean.

Đây là cột mốc có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự kiên định và triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại rộng mở, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Dù cách trở về địa lý, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribbean, mong muốn đưa các mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các khu vực và thế giới.

Sự kiện này cũng cho thấy uy tín và vị thế của Việt Nam tiếp tục nâng cao, được bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng và tín nhiệm. Sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tiếp tục trúng cử, tham gia nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc. Điển hình là việc trúng cử Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh bưu chính thế giới...

Việc phát huy vai trò, trách nhiệm và để lại dấu ấn tích cực khi đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các diễn đàn đa phương nói chung và Liên hợp quốc nói riêng thời gian qua đã và đang đem lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương theo đúng phương châm “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, phục vụ lợi ích của quốc gia-dân tộc cũng như đóng góp cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung.

Về quá trình đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad & Tobago có điểm gì đặc biệt, thưa Đại sứ?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ năm 2013 về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước vùng Caribbean, trong những năm qua, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực thúc đẩy triển khai. Kết quả là tại New York, Phái đoàn đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký các Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Saint Kitts & Nevis, Cộng đồng Thịnh vượng chung Dominica và Antigua & Barbuda vào tháng 11/2013; với Saint Lucia vào tháng 6/2018; và với Bahamas vào tháng 1/2023.

Riêng đối với Cộng hòa Trinidad & Tobago, sau một quá trình trao đổi tích cực trong thời gian dài với nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp, phía bạn đã gửi Công hàm chính thức vào tháng 3/2021 đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ và đồng ý với nội dung Thông cáo chung do phía Việt Nam đưa ra.

Do một số nguyên nhân khách quan, trong đó có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến ngày 1/2 vừa qua, hai nước mới có thể tổ chức lễ ký chính thức tại New York. Hai bên cũng nhất trí gửi Thư thông báo đến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và đề nghị Liên hợp quốc lưu hành văn bản Thông cáo chung như một văn kiện chính thức của tổ chức này.

Trong quá trình trao đổi thiết lập quan hệ ngoại giao, phía Trinidad & Tobago, nhất là cá nhân Đại sứ Dennis Francis Smith, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Trinidad & Tobago tại Liên hợp quốc, bày tỏ ấn tượng sâu sắc đối với lịch sử hào hùng và những thành tựu phát triển của Việt Nam. Đại sứ Smith nhấn mạnh Trinidad & Tobago có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, cũng từng trải qua quá trình đấu tranh lâu dài để giành độc lập dân tộc, do đó việc thiết lập quan hệ ngoại giao với một đất nước kiên cường, một đối tác tin cậy như Việt Nam thực sự là một mốc son trong chính sách đối ngoại của Trinidad & Tobago.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đại sứ Dennis Francis ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trinidad & Tobago.

Hai bên đều cho rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao này là “khởi đầu đáng nhớ”, đâu là những triển vọng hợp tác giữa hai nước sau cột mốc quan trọng này?

Trinidad & Tobago là quốc đảo có tiềm lực kinh tế, đứng thứ ba về quy mô GDP trong số 13 quốc gia vùng Caribbean, GDP bình quân đầu người (theo sức mua tương đương) cao thứ năm trong cả khu vực Mỹ Latinh, được Ngân hàng Thế giới công nhận là nền kinh tế thu nhập cao.

Không như hầu hết các quốc gia và lãnh thổ vùng Caribbean vốn chủ yếu phụ thuộc vào du lịch và dịch vụ, Trinidad & Tobago chú trọng phát triển công nghiệp, đặc biệt là khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, khí hóa lỏng (chiếm khoảng 40% GDP và 80% kim ngạch xuất khẩu). Nông nghiệp, đồ uống và xi măng cũng được coi là một số thế mạnh của Trinidad & Tobago. Đất nước này cũng được đánh giá là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp với nhiều cơ chế thuận lợi.

Trên cơ sở đó, hai Phái đoàn đại diện thường trực của hai nước tại Liên hợp quốc đã nhất trí tiếp tục chia sẻ thông tin, tăng cường trao đổi ở các cấp để tìm hiểu các thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi thế như khai thác dầu khí, du lịch và nông nghiệp. Đồng thời, với tầm nhìn tương đồng trên nhiều vấn đề và lĩnh vực, trong đó có khoa học công nghệ, nghề cá, văn hóa, giao lưu nhân dân, hai bên kỳ vọng sẽ phát huy, tận dụng hiệu quả dư địa hợp tác còn rất lớn giữa hai nước sau khi đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trinidad & Tobago cũng thống nhất sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc, nhất là trong Nhóm G77, và các diễn đàn đa phương khác. Với vai trò thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Cộng đồng Caribbean (CARICOM)... Trinidad & Tobago cũng sẽ là cầu nối để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa với các tổ chức và quốc gia liên quan.

Từ việc mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước, Đại sứ đánh giá như thế nào về sự “tiên phong” của đối ngoại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Đại hội nêu rất rõ nhiệm vụ phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập môi trường và hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam.

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước XHCN, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia trên thế giới, bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó có toàn bộ các nước ở châu Âu và châu Mỹ cùng hầu hết các nước ở châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả nước lớn, trong đó có năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký các hiệp định thương mại tự do.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, “tăng độ tin cậy”; đối ngoại đa phương “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị, kinh tế quốc tế”. Điều này cho thấy, công tác đối ngoại đã và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng thay đổi vị thế của đất nước và từng bước nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

(thực hiện)

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phia-sau-cau-chuyen-viet-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-voi-trinidad-tobago-215960.html