Phía sau hình ảnh cô bé mang dây truyền dịch lên sàn catwalk

Chiếc dây truyền dịch lủng lẳng phía sau bộ váy công chúa lấp lánh là hình ảnh ấn tượng, khiến nhiều người xúc động khi theo dõi Vietnam Fashion Week 2019.

Sân khấu lớn nhất của con

Bên trong cánh gà của buổi trình diễn Vietnam Fashion Week 2019 đêm 30/10, người ta thấy bóng dáng của một cô người mẫu nhí nhỏ bé với những bước đi tập tễnh. Cô bé dường như nhận được sự quan tâm của mọi người, từ những thành viên ban tổ chức đến cả những người mẫu khác. Cứ một lúc lại có người bế em lên chụp ảnh, hỏi em có mệt không, có muốn ăn gì không. Cô bé vẫn đeo trên ngực túi truyền dịch. Đó là Hà My - một người mẫu nhí đặc biệt trong sự kiện thời trang hàng đầu Việt Nam.

Hà My đằng sau sân khấu trình diễn thời trang. Ảnh: Việt Hùng.

Hà My đằng sau sân khấu trình diễn thời trang. Ảnh: Việt Hùng.

Hà My là một bệnh nhân ung thư máu đang điều trị tại Khoa Nhi - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Cô bé mới 4 tuổi nhưng đã hơn 2 năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Cơ duyên để Hà My sải bước trình diễn thời trang cũng thật tình cờ. Một phụ huynh khác cùng buồng bệnh biết đến chương trình đã giới thiệu cho chị Tâm (mẹ Hà My). Lúc đầu chị không muốn cho con gái tham gia. Ngược lại với mẹ, cô bé rất hào hứng. Để được sự đồng ý của mẹ, My đã gọi điện xin bố. Thấy con gái thích thú, anh Cường (bố Hà My) lại thuyết phục vợ.

Trò chuyện với nhà thiết kế Thảo Nguyễn và đến khi tập duyệt, chị Tâm vẫn chỉ nghĩ Hà My được tham gia ở một buổi diễn nhỏ. Khi lên đến sân khấu ngày 30/10, người mẹ bất ngờ trước một sàn diễn chuyên nghiệp với rất nhiều khán giả.

Chị Tâm luôn có mặt bên cạnh cô con gái trong suốt hành trình đến với sàn diễn thời trang. Ảnh: Việt Hùng

Sau khi buổi diễn kết thúc, bà nội của Hà My gọi ngay cho con trai và con dâu, nhưng không ai nói gì, mọi người chỉ ngồi khóc rưng rức bởi “thương cháu lắm, nhìn xinh đẹp duyên dáng thế kia, ai bảo nó bị bệnh cơ chứ”.

Hà My trên sàn catwalk chuyên nghiệp. Ảnh: Việt Hùng.

Những đêm dài trong bệnh viện

Sau buổi trình diễn trời trang, cô Thảo Nguyễn đã đặc biệt in tặng Hà My một bức ảnh rất lớn, cùng một cuốn album ảnh ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của hai mẹ con trong quá trình tham gia biểu diễn. Chị Tâm đặt bức ảnh ngay ngắn bên cửa sổ giường bệnh để Hà My có thể thích thú ngắm nhìn hàng ngày.

"Hoa hậu Viện huyết học" là biệt danh mọi người trong khoa đặt cho em. Thi thoảng các cô y tá của khoa vào phòng lại trầm trồ: “Hà My của cô đi diễn thời trang xinh quá, như là công chúa thế kia. Ít nữa khỏe lại, con mà đi làm người mẫu chuyên nghiệp thì đắt show lắm”.

Chị Tâm nhớ lại những ngày mà Hà My mới được 2 tuổi, em hay ốm vặt. Có lần sốt cao, anh chị đưa My lên bệnh viện huyện khám nhưng không ra bệnh. Cơn sốt cũng không thuyên giảm. Cô bé lại được đưa lên bệnh viện tỉnh Sơn La, các bác sĩ ở đây có thể giúp gia đình khống chế cơn sốt của em. Tuy nhiên, họ vẫn khuyên bố mẹ đưa My xuống Hà Nội khám để có kết quả chắc chắn. Người mẹ lặng người, chỉ còn biết khóc khi bác sĩ kết luận con bị ung thư máu.

Ống truyền của Hà My được đặt trực tiếp ở cuống tim nhưng vì cô bé thể trạng khá yếu nên phần đặt ống lúc nào cũng nổi lên thành cục lớn trên ngực.

Hai năm Hà My điều trị ở viện là cả gia đình không được đón Tết trọn vẹn. Ngày 28, 29 Tết mẹ con mới được bắt xe về nhà. Khoảng thời gian đầu điều trị ở viện, cũng như những đứa trẻ khác, My quấy khóc nhiều. Mỗi ngày trông con, chị Tâm chỉ ngủ được vẻn vẹn 2-3 tiếng. Chị ngồi trên chiếc ghế nhựa, tựa vào thành giường trông giấc ngủ cho đứa con nhỏ. Cứ chốc chốc My lại giật mình tỉnh dậy đòi mẹ, kêu đau, trằn trọc,… chị lại bế con ra hành lang ru cho con ngủ rồi mới trở lại phòng để tránh làm phiền mọi người.

Giờ đây, mẹ con chị quen thuộc dần với cuộc sống ở viện. Suốt 2 năm qua, họ được về nhà chỉ vỏn vẹn 2 tháng. Với những đứa trẻ như Hà My, tầng 6 của viện là "ngôi nhà thứ hai", bởi các em quen thuộc từng buồng bệnh, từng ngóc ngách.

Đầu năm nay, sau những đợt điều trị hóa chất dài hạn, chân của Hà My đã yếu đi nhiều. “Trước đây, lúc còn khỏe thì cứ chạy nhảy suốt dọc cả hành lang. Giờ muốn đi đâu cũng bịn rịn, phải thỏ thẻ nói với mẹ để mẹ dắt đi chơi”, chị Tâm xót xa. Nhiều đêm đau nhức đầu gối, em cứ trằn trọc không ngủ, mẹ Tâm vì thế lại thức trắng để trông con. Thế nhưng cứ nghe thấy tiếng cô con gái gọi “mẹ ơi”, khuôn mặt chị lại rạng rỡ tươi cười trở lại.

Tổ ấm nơi vùng cao

Lại kết thúc một đợt điều trị, chị Tâm xin bác sĩ cho Hà My được về nhà một tuần. Được bác sĩ đồng ý, hai mẹ con vui vẻ, hào hứng thu xếp đồ đạc để về nhà trên chuyến xe đêm vượt hành trình gần 300 km. Trước khi lên xe, My đã kịp gọi điện cho bố và dặn 5h sáng ra đón hai mẹ con. Biết mẹ say xe, Hà My lại nằm ngoan một chỗ, thỉnh thoảng thủ thỉ bên tai: “Mẹ cố lên nhé, sáng mai về đến nhà rồi”.

Căn nhà gỗ nhỏ, nằm nép mình bên vài quả đồi thuộc xã Nà Bó (Mai Sơn, Sơn La) là tổ ấm của gia đình Hà My. Một xã nghèo của người dân tộc Thái, lấy công việc trồng trọt làm thu nhập chính. Thời gian đầu theo điều trị, chị Tâm và anh Cường từng nghĩ đến chuyện bán đi căn nhà này để lấy tiền ghép tủy sống cho con gái. Thế nhưng, bác sĩ lại thông báo rằng tình trạng sức khỏe của My yếu nên không thể thực hiện ca phẫu thuật, phải chuyển sang điều trị hóa chất lâu dài.

My mắc chứng suy dinh dưỡng từ nhỏ. Càng lớn cô bé càng nhìn càng gầy đi. Năm nay đã hơn 4 tuổi nhưng em chỉ nặng có 10kg. Mẹ vẫn hay trêu là ăn uống mãi mà chẳng "ngấm" được tí nào.

Ở nhà, Hà My được mọi người âu yếm gọi là “Vịt”. Từ ngày nghỉ việc để chăm sóc cho con gái, chị Tâm cũng có thêm thời gian chăm bẵm cho khu vườn nhỏ phía sau nhà. Thế là cứ mỗi lần ra viện, cô Vịt lại lẽo đẽo theo bố mẹ ra vườn hái rau. Em vui vẻ, thích thú khi được mẹ giao cho công việc là đào củ cải.

Con gái ốm, vợ phải nghỉ việc, kinh tế trong nhà dồn lên đôi vai của anh Cường. Trước đây, anh từng có một công việc ổn định trong khách sạn dưới thành phố Sơn La. Nhưng từ ngày Hà My đi viện, anh làm đơn xin nghỉ để có thời gian chạy đi chạy lại. Chị Tâm còn bảo, từ ngày có Vịt, chị bị “ra rìa”, bởi cứ ở nhà một cái là hai bố con lại quấn quýt lấy nhau. Mỗi lúc bố bận bịu nấu cơm, Hà My lại ngồi trên chiếc ghế nhỏ phía sau lưng bố, luyến thắng kể lại những câu chuyện ở viện, những hôm đi diễn, hay cả về những người bạn mới quen,…

Để lo kinh tế, anh Cường cùng vợ mở quán ăn. Những buổi sớm trên vùng cao lạnh buốt nhưng ngày nào anh cũng thức dậy từ 4h để chuẩn bị. Thấy bóng dáng bé nhỏ của Hà My theo mẹ ra chợ, ai cũng vào mua ủng hộ.

My thích đi lớp, mỗi lần nghỉ đợt điều trị về quê, em lại đòi mẹ cho đi mẫu giáo. Ngày hôm trước về đến nhà nghỉ ngơi, ngày hôm sau cô bé phải đi luôn mới chịu. Quấn mẹ là thế nhưng lần nào đi lớp My cũng ngoan ngoãn ở từ sáng đến chiều.

Cô Bình (giáo viên lớp 4 tuổi) lúc nào cũng được My âu yếm gọi là “mẹ Bình”. Thấy mẹ Tâm đến đón, cô Bình bế Hà My lên, nhẹ nhàng dặn: “Hà My về nhà với mẹ Tâm ngoan nhé, tối nay con nhớ ăn nhiều cơm để ngày mai khỏe mạnh rồi đến lớp với mẹ Bình nghe chưa”. Năm học vừa rồi, sau những đợt điều trị tốn kém, cô Bình đã cùng những giáo viên trong trường góp tiền để mua tặng cho Hà My bộ sách mới và đóng thêm tiền học phí cho em.

Hà My được về nhà 10 ngày. Ngay hôm sau, bà ngoại đã bắt xe đi quãng đường hơn 100 km để đến thăm cháu. Cuốn album ảnh trình diễn được Hà My đem ra khoe với mọi người. Bên trong, nhà thiết kế Thảo Nguyễn nhắn gửi: “Hà My yêu quý của cô, cô Thảo Nguyễn tặng con cuốn album này, mong cô bé mạnh mẽ của cô sẽ thấy vui và hạnh phúc mỗi lần xem lại. Mong con sẽ luôn tươi cười, khỏe mạnh và mơ những giấc mơ thật đẹp. Sẽ có phép màu như trong chuyện cổ tích đến với con, công chúa Lọ Lem hãy thật tự tin và vui vẻ nha. Yêu con!".

Trong những món đồ được cô Thảo Nguyễn tặng lại, Hà My thích nhất chiếc vương miện. Đối với cô bé thơ ngây, nó như một “báu vật”, là phép màu để My có thể hóa thân thành công chúa bất cứ khi nào muốn. Còn đối với bố mẹ, con cũng giống như chiếc vương miện, là món quà vô giá mà cuộc đời đã ban cho họ.

Duy Hiệu - Thạch Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phia-sau-hinh-anh-co-be-mang-day-truyen-dich-len-san-catwalk-post1011678.html