Phía sau khoản lãi nghìn tỷ của các ngân hàng trong mùa dịch

Tới nay, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2020. Kết quả cho thấy, các ngân hàng đều đã 'ngấm đòn' từ đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn nhiều tín hiệu đầy lạc quan cho những tháng còn lại của năm.

Biểu đồ lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng 6 tháng 2019 - 2020. Biểu đồ: H.DỊU

Biểu đồ lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng 6 tháng 2019 - 2020. Biểu đồ: H.DỊU

Giảm lệ thuộc vào tín dụng

Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý 2/2020 vừa được công bố, nhiều ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng dương về lợi nhuận, thậm chí nhiều ngân hàng còn tăng trưởng ở mức hai con số như BIDV đạt 2.640 tỷ đồng, tăng 21%; VPBank đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 51%; HDBank tăng 49%... Dưới những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế từ đầu năm đến nay rất yếu, thì điều gì đã giúp các ngân hàng đạt được mức tăng trưởng “khủng” như vậy?

Báo cáo tài chính quý 2/2020 vừa được ngân hàng BIDV công bố cho thấy thu nhập lãi thuần giảm tới 24%, chỉ đạt 6.940 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hoạt động khác của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 8%, đạt 1.179 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 240 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng mang về khoản lãi 797 tỷ đồng, gấp 6,4 lần cùng kỳ năm trước.

Tại OCB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng gần 63% trong quý 2/2020, đạt 183 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng 172%; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 15%...

TPBank cũng có lợi nhuận tăng 25,6% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, kết quả có được là nhờ chiến lược tập trung phát triển ngân hàng số, giúp giảm thiểu lệ thuộc vào tín dụng và tăng được tỷ trọng thu ngoài lãi.

So sánh biến động tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hồi cuối năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020. Biểu đồ: H.Dịu

Theo báo cáo kết quả kinh doanh Công ty nghiên cứu thị trường FiinPro, một số ngân hàng phá vỡ quy tắc, ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao đều là nhờ các ngân hàng có mảng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng. Các ngân hàng này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng, bán lẻ hoặc tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Bên cạnh đó, khác với các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp ảnh hưởng, hậu quả của Covid-19 để lại có độ trễ với các ngân hàng.

Nợ xấu “xấu” hơn

Điều đáng lo ngại trong kết quả kinh doanh 6 tháng của các ngân hàng là tình hình nợ xấu có chiều hướng tăng trở lại, tăng cả ở tỷ lệ nợ xấu chung và lượng nợ xấu tại các nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Như tại TPBank, nợ xấu ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) có mức tăng lớn nhất tới trên 47,2%, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 22% trong 6 tháng, kéo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ mức 1,29% hồi đầu năm 2020 lên mức 1,47%. Tương tự, VIB cũng có nợ xấu ở nhóm dưới tiêu chuẩn tăng tới 79,6% và nợ nghi ngờ cũng tăng hơn 49,2%. Tính đến 30/6, tổng nợ xấu nội bảng của MB ở mức 3.577 tỷ đồng, tăng 23,5%, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% vào cuối năm 2019 lên mức 1,37%. Trong khi đó tại LienVietPostBank, tổng số dư nợ xấu tăng thêm gần 500 tỷ đồng, tương đương 23,4% lên hơn 2.506 tỷ đồng… Tuy nhiên, trong mức tranh màu xám của nợ xấu, vẫn còn một số ngân hàng lại giảm tỷ lệ nợ xấu như Techcombank, VPBank…

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, các con số về nợ xấu của ngân hàng đã được bao bọc bởi lớp vỏ cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Hiện cơ quan này còn đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Thông tư 01 cho phép nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu được giữ nguyên trạng, che đậy để thanh khoản nợ bình thường.

Hơn nữa, dù nợ xấu tiềm ẩn, nhưng chi phí dự phòng tại nhiều ngân hàng thậm chí còn giảm trong quý 2. Điển hình, VietinBank chỉ trích lập 2.207 tỷ đồng chi phí dự phòng trong quý 2, giảm tới 47% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, VPBank cũng giảm 546 tỷ đồng chi phí dự phòng so với quý 2/2019, tương đương mức giảm 17%...

Do đó, trong trường hợp khi thời hạn cơ cấu nợ mà khách hàng không trả được nợ gốc, các khoản nợ sẽ bị chuyển thành nợ xấu và ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng cho cả phần nợ gốc và phần lãi phải thu của các khoản nợ này đã được hạch toán trên báo cáo tài chính quý 2. Khi đó, phần lợi nhuận đã ghi nhận trong quý 2 sẽ trở thành gánh nặng bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong tương lai. Do đó, dù ghi nhận lãi cao, nhưng nhiều ngân hàng cũng đang “thấp thỏm” lo lắng khi tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, làm gia tăng nguy cơ nợ xấu quay trở lại và cuốn bay lợi nhuận trong tương lai.

Lợi nhuận có bật lên?

Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá, năm nay, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tình hình lợi nhuận của ngân hàng sẽ thấp hơn năm ngoái… Chính vì thế, cùng với việc gia tăng thu nhập ngoài tín dụng, các ngân hàng đang phải thực hiện các chính sách tiết giảm chi phí, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ chi phí, qua đó làm gia tăng đáng kể lợi nhuận.

Theo đó, trong quý 2/2020, VPBank đã cắt giảm gần 500 tỷ đồng chi phí hoạt động so với cùng kỳ năm 2019, tương đương mức giảm 16%, kéo tổng chi phí hoạt động trong kỳ giảm xuống mức 2.555 tỷ đồng. Ngân hàng Vietcombank cũng đã tiết kiệm được gần 950 tỷ đồng trong quý 2/2020, tương đương mức giảm tới 23% so với quý 2/2019. Nhiều ngân hàng khác cũng có mức tiết giảm chi phí lớn như HDBank giảm 13%, Sacombank giảm 14%, ACB giảm 8%, BIDV giảm 6%, VietinBank giảm 9%...

Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 3/2020 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho biết, các tổ chức tín dụng hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 54,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng quý 3/2020, kết quả hoạt động kinh doanh cải thiện tốt hơn so với quý 2. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn 15,3% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.

Hương Dịu - Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phia-sau-khoan-lai-nghin-ty-cua-cac-ngan-hang-trong-mua-dich-131156-131156.html