Phía sau lời khước từ của Mỹ

Tính đến hết tháng 8/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận 172 quốc gia đàm phán tham gia kế hoạch COVAX – kế hoạch nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19. Nhưng Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới, chính thức không nằm trong số quốc gia này, với việc tuyên bố không tham gia kế hoạch COVAX hôm 2/9.

“Phát triển một loại vaccine chống lại COVID-19 là thách thức cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta, và sẽ chẳng ai thắng trong cuộc đua cho đến khi tất cả chúng ta cùng thắng” – đây là lời kêu gọi được WHO đề cập khi nói về “Cơ sở tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19” (COVAX) – một sáng kiến nhằm hợp tác với tất cả các nhà sản xuất vaccine để cung cấp cho các quốc gia trên toàn thế giới quyền tiếp cận công bằng đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả ngay khi chúng được cấp phép và phê chuẩn.

Được WHO cùng tổ chức Liên minh đổi mới chuẩn bị sẵn sàng đối phó dịch bệnh (CEPI) và Liên minh vaccine Gavi đồng khởi xướng và dẫn đầu, COVAX hiện có danh mục vaccine COVID-19 đa dạng và lớn nhất thế giới, bao gồm 9 loại vaccine tiềm năng cùng 9 loại vaccine đang được thử nghiệm và đàm phán.

Đây cũng là sáng kiến toàn cầu duy nhất đang làm việc ở cấp chính phủ và các nhà sản xuất để đảm bảo vaccine COVID-19 được cung cấp trên toàn thế giới cho cả các nước có thu nhập cao và thu nhập thấp hơn.

Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ không tham gia nỗ lực toàn cầu do WHO đứng đầu nhằm phát triển, sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ không tham gia nỗ lực toàn cầu do WHO đứng đầu nhằm phát triển, sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Reuters

Tính đến cuối tháng trước, WHO thông báo đã có 172 quốc gia đang đàm phán để tham gia kế hoạch này. Một số quốc gia, trong đó có Canada, Italia, Australia và Anh, đã có cam kết với COVAX AMC, một cơ chế tài chính được thiết lập để đảm bảo các công ty dược phẩm lớn cung cấp vaccine phòng COVID-19 với giá phải chăng cho các quốc gia đang phát triển.

Hôm 31/8, Ủy ban châu Âu đã xác nhận quan tâm tham gia COVAX và công bố khoản đóng góp trị giá 400 triệu Euro để hỗ trợ COVAX và các mục tiêu của kế hoạch này.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven từng khẳng định: “Việc tiếp cận bình đẳng với vaccine ngừa COVID-19 là chìa khóa để đánh bại virus SARS-CoV-2 và mở đường cho việc phục hồi sau đại dịch.

Đây không thể coi là cuộc đua với chỉ một vài người chiến thắng, và COVAX là một phần quan trọng của giải pháp – theo đó đảm bảo tất cả các quốc gia đều có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận danh mục vaccine lớn nhất thế giới và phân phối vaccine công bằng và hợp lý”.

Thế nhưng, Mỹ lại không mặn mà với kế hoạch này. Ngày 2-9, khi được yêu cầu xác nhận việc tham gia COVAX, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vaccine đã đạt được tốc độ chưa từng có nhằm cung cấp các loại thuốc đột phá, hiệu quả, được thúc đẩy dựa trên dữ liệu và sự an toàn và không bị cản trở bởi chính phủ”. Từ đó, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục thu hút các đối tác quốc tế “để đảm bảo chúng ta có thể đánh bại loại virus này, nhưng chúng tôi sẽ không bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng của WHO cũng như Trung Quốc”.

Trước đó, trong một động thái bị các chuyên gia y tế chỉ trích, chính quyền của ông Trump hồi tháng 5 tuyên bố rút khỏi WHO và cắt nguồn tài trợ cho tổ chức này. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp tới 450 triệu USD hội phí. Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc WHO bị kiểm soát bởi sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trên thực tế, thay vì tham gia các nỗ lực hợp tác toàn cầu để phát triển vaccine, chính quyền của Tổng thống Trump đã chọn tập trung vào Chiến dịch Warp Speed, một kế hoạch của Mỹ nhằm phát triển vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu sản xuất 300 triệu liều vào tháng 1 năm sau.

Hiện, hai loại vaccine COVID-19 đang thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ do Moderna và Pfizer/BioNTech sản xuất. Hai loại vaccine khác dự kiến bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vào giữa tháng 9.

Theo The Guardian, Tổng thống Trump từng khẳng định, mục tiêu của ông là phát triển một loại vaccine trước ngày bầu cử, mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để một loại vaccine được thẩm định và chấp thuận.

Các chuyên gia y tế nhận định, việc Mỹ từ chối tham gia vào COVAX có nghĩa rằng Mỹ đang đánh cược vào hiệu quả của việc tự phát triển vaccine và khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, vốn có thể dẫn đến việc tích trữ vaccine và nâng giá thành sản phẩm. Bà Suerie Moon, đồng Giám đốc Trung tâm Y tế toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển ở Geneva, nói với Washington Post rằng, việc Mỹ không tham gia vào sáng kiến này là một “đòn giáng thực sự” đối với nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo vaccine cho người dân. Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của WHO lại cảnh báo về những tác động tiềm tàng của “chủ nghĩa dân tộc vaccine” - điều có thể được nhìn thấy nếu các quốc gia giàu có hơn tích trữ liều vaccine ngừa COVID-19.

“Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Không một quốc gia nào có thể tiếp cận, nghiên cứu và phát triển, sản xuất tất cả chuỗi cung ứng cho tất cả các loại thuốc và nguyên liệu thiết yếu”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vào tháng 8 vừa qua.

Theo Tổng Giám đốc WHO, dù các lãnh đạo mong muốn bảo vệ người dân của họ, đại dịch này vẫn cần tới phản ứng tập thể. “Khi những phương pháp chẩn đoán, thuốc và vaccine mới giúp chống lại đại dịch được triển khai, điều quan trọng là các quốc gia không được lặp lại sai lầm. Chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine", ông nói.

An Nhiên

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/phia-sau-loi-khuoc-tu-cua-my-610017/