Phía sau nét đẹp văn hóa đạo mẫu – 'Hầu Bóng'

'Hầu đồng' là một nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thể hiện nét đẹp tâm linh của người Việt.

Cùng với những giá trị văn hóa tốt đẹp, sự phát triển nở rộ của loại hình nghệ thuật này cũng chứa đựng nhiều “góc khuất” ít ai biết…

Kỳ 1: “Hầu đồng” – Văn hóa Việt được vinh danh

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt, “Hầu đồng” là nghi thức quan trọng, mang tính nghệ thuật sân khấu, là môi trường để con người hòa nhập với thế giới tâm linh, biểu đạt những khát vọng, ước muốn của con người.

Nét văn hóa dân gian thuần Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử phát triển lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng tới cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn…đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người Việt, thu hút đông đảo tầng lớp trong xã hội.

Tam Tòa Thánh Mẫu là ba vị thánh tối linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.

Trong dân gian, tục thờ Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt tôn thờ các vị thần tự nhiên với ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi… các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ. Trải qua quá trình lịch sử, tín ngưỡng Thờ mẫu phát triển hình thành nên tín ngưỡng tờ mẫu Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ), với đại diện là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Cung. Trên cơ sở phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, đến thế kỷ XVI, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành và lan tỏa khắp Bắc Bộ.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt dần hoàn thiện hệ thống các nghi lễ, nghi thức, tiêu biểu nhất là nghi lễ “hầu đồng” - một hiện tượng tâm linh “bí ẩn”. “Hầu đồng” là sự kết hợp hài hòa giữa không gian linh thiêng, âm nhạc chầu văn, và sự “thăng hoa” của các Thanh Đồng (Thanh Đồng là nam giới được gọi là “Cậu”, nữ giới được gọi là “Cô hoặc Bà đồng”).

Nghi thức lên khăn áo trong nghi lễ hầu đồng.

Hầu đồng giúp mọi người hiểu về những câu chuyện có trong lịch sử, những chiến công của những vị thánh. Bên cạnh việc giao tiếp với thần linh thì người Việt còn quan niệm sau khi chết linh hồn người chết vẫn theo dõi cuộc sống hàng ngày. Vì vậy khi lên đồng linh hồn người chết có thể nhập vào đồng cô, đồng cậu để nói chuyện với người thân, yêu cầu, vận mệnh, tương lai...

Di sản nhân loại

Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tối 2/4, tại Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đoàn Việt Nam tại phiên họp của UNESCO xét vinh danh Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của người dân Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt, vì thế phải cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển di sản trong đời sống nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương và cộng đồng.

Lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại là do bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay.Bên cạnh đó, đây cũng là kết quả của sự quyết tâm cao và nỗ lực của tỉnh Nam Định trong việc đề cử hồ sơ; sự tham gia tích cực của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các nhà khoa học cùng các nghệ nhân trong công tác xây dựng hồ sơ; sự phối hợp hiệu quả của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác quảng bá, tuyên truyền Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt cho Ngoại giao đoàn tại Việt Nam, cho chính giới, công chúng nước ngoài, và các chuyên gia di sản phi vật thể của UNESCO và thế giới, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của các chuyên gia và các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003.

Giá trị của văn hóa và nghệ thuật của “Hầu đồng” là không thể phủ nhận, “Hầu đồng” là văn hóa phi vật thể sẽ giúp đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, phía sau những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy là những “góc khuất” mà không phải ai trong chúng ta cũng biết, những ảnh hưởng tiêu cực dựa trên loại hình nghệ thuật này cũng đang là vấn đề đáng báo động… Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu về vấn đề này ở kỳ hai: “Đằng sau những câu chuyện “hầu đồng”?

Dương Ninh

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/phia-sau-net-dep-van-hoa-dao-mau-hau-bong-p48334.html