Phía sau những cánh bay…

Phía sau những cánh bay là các nhân viên hàng không miệt mài giữa ngày nắng gắt hay đêm sương buốt lạnh…

Nhân viên hàng không luôn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, ngày nắng nóng gay gắt, đêm lạnh thấu xương

Nhân viên hàng không luôn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, ngày nắng nóng gay gắt, đêm lạnh thấu xương

Những bát mì tôm đêm muộn

Hà Nội nóng bỏng, nắng cháy khét mặt đường. Sài Gòn mùa mưa, mưa thối đất, thối cát... Những ngày như thế, tôi luôn nhớ về những người bạn, người đồng nghiệp của chúng tôi trong ngành Hàng không. Đó là những đồng nghiệp phải vất vả trong cái nắng, nóng bốc lên gần 60 độ trên sân bay Nội Bài. Họ là những kỹ thuật viên, những nhân viên an ninh, những nhân viên bốc xếp... Họ là những kiểm soát viên không lưu tuy ngồi máy lạnh nhưng đầu óc, thần kinh phải vất vả, căng ra điều hành bay khi trời mưa to không kịp ăn trưa hay ăn tối ở Tân Sơn Nhất. Họ là những nhân viên làm thủ tục luôn kiên nhẫn với hành khách dù nhiều người đang bực bội vì có thông báo trễ giờ bay...

Khi nhìn đồng nghiệp của mình ăn những bữa cơm trưa, chiều, tối hay đêm ở sân bay, có lẽ mọi người mới cảm thông được cho những nhân viên hàng không. Món ăn quen thuộc cũng chỉ là mì gói. Bữa ăn thất thường vì làm ca, khi khách đông, việc nhiều không thể ăn đúng bữa…

Đa số chị em phụ nữ đi trực ca ở sân bay đều không thể có một làn da đẹp. Bởi trực ca thì sinh hoạt, ăn uống thất thường, không như những người phụ nữ khác dù có thể công việc vất vả hơn. Hàng ngày, như những diễn viên khi lên sân khấu, họ có thể trang điểm rất nhiều để hành khách thấy họ vẫn đẹp và sang trọng, nhưng khi về nhà và tẩy trang đi, mới thấy khuôn mặt đã mụn và nhuốm màu của thời gian... Ước mơ bé bỏng của họ là có một làn da bình thường như nhiều cô gái khác...

Sân bay Tân Sơn Nhất

Bởi vì chúng tôi thuộc về nơi ấy

Rất nhiều nữ nhân viên hàng không đều có chung một tâm sự: Về nhà sau ca trực, chúng em chỉ cảm thấy mệt và buồn ngủ. Được gia đình và chồng con thông cảm thì không sao, nếu không đành chịu. Nhiều trường hợp gia đình lục đục, tan vỡ vì hoàn cảnh công việc. Nhiều trường hợp thậm chí không có cả người yêu vì khi người khác nghỉ thì mình lại đi làm, khi mình đi làm thì người khác lại nghỉ.

“Nhưng không sao cả, với mỗi nhân viên hàng không, chỉ cần nhìn thấy những gia đình sum họp Bắc Nam sau hai giờ bay, nhìn thấy những giọt nước mắt, những cánh tay vẫy tiễn đưa nhau trước khu cách ly đầy hy vọng và gửi gắm người thân cho những chuyến bay an toàn, đọc được những dòng facebook động viên... là chúng em lại có thêm động lực để làm việc”, một nữ nhân viên của công ty phục vụ mặt đất chia sẻ.

Thời chúng tôi còn đi học, có một bộ phim về tình yêu rất nổi tiếng, đó là Vị đắng tình yêu. Và tôi còn nhớ mãi hình ảnh Quang Đông Ki Sốt nửa đêm trời mưa rào sầm sập ở Sài Gòn vẫn vượt hàng rào công viên, ngắt hoa mang tới tặng cho cô bạn gái giàu có đang chơi đàn piano... Có tình yêu người ta sẽ vượt qua mọi khó khăn và làm được tất cả...

Bởi vì những đồng nghiệp của chúng tôi thuộc về nơi ấy. Với họ, đó là tình yêu với công việc, là tình yêu với từng cảm xúc hạnh phúc của từng hành khách. Đó là Code of conduct - là đạo đức nghề nghiệp - nền tảng cho sự phát triển bền vững...

Nhật Minh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phia-sau-nhung-canh-bay-d269766.html