Phía sau những con số đẹp

Việc bị lừa khi xuất khẩu lao động đã được cảnh báo rất nhiều, song vấn nạn này vẫn xảy ra. Nguyên nhân xuất phát từ chính người lao động khi không tìm hiểu, nắm bắt thông tin để biết rõ mình có thể đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp hay không.

Phần lớn thông qua “cò mồi”

Tại Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay đang rất khả quan, năm sau cao hơn năm trước. Ước tính hiện có khoảng 580.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ đơn giản đến kỹ thuật cao.

Người dân đến trụ sở Công an phường 12 (quận Gò Vấp, TP HCM) trình báo việc bị lừa xuất khẩu lao động

Người dân đến trụ sở Công an phường 12 (quận Gò Vấp, TP HCM) trình báo việc bị lừa xuất khẩu lao động

“Năm 2018 tiếp tục là năm thành công trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của Việt Nam, bởi tỷ lệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 30% so với kế hoạch. Đây cũng là năm thứ 5 Việt Nam liên tục vượt mức kế hoạch xuất khẩu lao động, vượt ngưỡng 100.000 lao động xuất khẩu”, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.

Tuy nhiên, phía sau hoạt động xuất khẩu lao động đang tồn tại không ít vấn đề đáng quan ngại.

Theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động xuất khẩu có tay nghề chỉ chiếm khoảng 20-30%, lao động Việt Nam chủ yếu làm các công việc đơn giản, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp. Đặc biệt, có tới 70-80% lao động xuất khẩu không được tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua môi giới. Nếu công ty môi giới lao động xuất khẩu không phải là tổ chức hợp pháp thì người lao động chắc chắn rơi vào “cạm bẫy” lừa đảo của họ.

TS Nguyễn Lê Minh - chuyên gia về việc làm - cho rằng, nguyên nhân sâu xa bắt đầu chính từ người lao động không tìm hiểu, nắm bắt thông tin, chỉ nghe “cò mồi” vẽ ra “bức tranh tươi sáng”, dẫn đến bị lừa đảo. Rất nhiều lao động đã bị rơi vào “bẫy” lừa đảo để rồi tiền mất mà vẫn không đi làm việc được ở nước ngoài.

Ông Minh nêu ví dụ thực tế: Ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), người dân từ chỗ nghèo khó đã trở nên giàu có nhờ xuất khẩu lao động, mỗi năm Cương Gián thu tới hơn 40 tỉ đồng do người đi làm việc ở nước ngoài gửi về, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Nhưng một thực tế đau xót đã xảy ra, đó là tình trạng lao động bị lừa đảo, thu phí quá cao dẫn tới bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài để kiếm thêm thu nhập. “Tất cả những vấn đề này đều bắt nguồn từ việc thiếu thông tin, chưa thấu hiểu chính sách, khiến lao động vi phạm pháp luật trong nước và nước ngoài. Đây cũng là rào cản khiến lao động Việt Nam chưa phát huy được thế mạnh của bản thân, làm ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia”, ông Minh nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm mới của Việt Nam là nhờ xuất khẩu lao động. Lao động xuất khẩu còn tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng để về nước phát triển kinh tế. Một số lao động về nước tham gia sản xuất, xuất khẩu, phát triển kinh tế địa phương... Nhưng bà Hà cho rằng, chính bởi hạn chế trong việc truyền thông về xuất khẩu lao động nên người lao động thiếu thông tin, doanh nghiệp và người lao động không kết nối được với nhau, người lao động có nguy cơ bị “doanh nghiệp ma” lừa đảo.

Ngoại ngữ yếu kém

Một vấn đề quan ngại khác, trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tìm đủ giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thì nguồn lực lao động của Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện hội nhập.

Chuyên gia lao động Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng, điểm yếu nhất của lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ. Theo điều tra, lao động Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc mức trung bình thấp, đứng sau Maylaysia (6,64 điểm), Philippines (6,53 điểm). “Chính bởi những hạn chế này mà lao động Việt Nam khi đi làm việc tại các quốc gia khác chưa phát huy hết được thế mạnh. Một bộ phận lớn lao động Việt Nam không hiểu biết văn hóa bản địa nơi làm việc, phải sống co cụm thành từng nhóm”, ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động - chia sẻ về một thực tế qua nhiều lần tham gia quản lý, đàm phán: Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tay nghề nhưng không phát huy được hết khả năng do thiếu ngoại ngữ.

Trước những thách thức đó, ông Lê Nhật Tân - Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực (LOD) - cho biết, LOD đang nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài việc học ngoại ngữ, lao động bắt buộc phải tham gia các lớp học về pháp luật trong nước và nước sở tại. Song song với đó, lao động phải thực hiện các cam kết về nghĩa vụ tài chính và pháp luật. “Nhờ đầu tư tốt về nhân lực mà đối tác đánh giá cao nhân lực của công ty nói riêng và lao động Việt Nam nói chung. Hoạt động cung ứng lao động của công ty có nhiều thuận lợi”, ông Tân nói.

Về tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu lao động, các nhà quản lý, các chuyên gia việc làm khuyến cáo: Để không bị lừa đảo hoặc trở thành lao động bất hợp pháp tại nước ngoài, người dân phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin, đối chiếu thông tin với cơ quan quản lý nhà nước, có thể qua cổng thông tin, trực tiếp đến cơ quan chức năng, đặc biệt phải đến các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép xuất khẩu lao động.

Theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động xuất khẩu có tay nghề chỉ chiếm khoảng 20-30%, lao động Việt Nam chủ yếu làm các công việc đơn giản, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp. Đặc biệt, có tới 70-80% lao động xuất khẩu không được tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua môi giới.

Nguyễn Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phia-sau-nhung-con-so-dep-552724.html