Phía sau những tấm huy chương

SEA Games 30 đã khép lại với thành công ngoài mong đợi của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) khi xếp thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương. Đặc biệt, các đội tuyển bóng đá nam và nữ của Việt Nam đều giành chức vô địch một cách thuyết phục.

 Đoàn TTVN đã có một SEA Games 30 thành công rực rỡ.

Đoàn TTVN đã có một SEA Games 30 thành công rực rỡ.

Chiến thắng của U22 Việt Nam ở những ngày thi đấu cuối cùng khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ lâng lâng, nhưng những ngày hòa mình cùng không khí SEA Games mới thấy ngoài bóng đá, thì 97 HCV còn lại cũng thấm đẫm những câu chuyện nhân văn đầy xúc động bởi những nỗ lực phi thường vượt qua giới hạn bản thân của cá nhân các vận động viên. Và đằng sau những tấm huy chương lấp lánh là cuộc đời của nhiều VĐV lần đầu được hé lộ.

Trong thành công chung này, Đội tuyển điền kinh có sự đóng góp quan trọng khi mang về 16 tấm HCV, đứng đầu đoàn trong môn thể thao này. Người dẫn đầu về cơ số HCV trong đội điền kinh không ai khác chính là cô “bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Oanh. Cô đã thực hiện một điều không tưởng khi xuất thần đoạt cùng lúc 2 HCV các cự ly khắc nghiệt nhất trong cùng một ngày (5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ), phá kỷ lục SEA Games. Trước đó một ngày, Oanh đã đoạt chức vô địch cự ly 1.500 m, hoàn tất pha "hat-trick vàng".

Cô gái chỉ nặng có 46 kg về đích là ngã ra, người co giật. Cả đường đua lặng đi cảm phục nghị lực phi thường của em, nhưng ít người biết, để gắn bó với điền kinh, cô gái nhỏ bé Nguyễn Thị Oanh đã phải đánh đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống. Một mình Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV ở điền kinh, môn thể thao cơ bản của Olympic. Sau vinh quang, Oanh lại trở về với công việc bán giày online để mưu sinh.

Nguyễn Thị Oanh đóng góp vào thành công của Đoàn TTVN.

Câu chuyện về VĐV Phạm Thị Hồng Lệ, tuy chỉ về đích thứ 3 trên đường chạy nhưng cô gái bé nhỏ đã chứng minh một sức mạnh và nỗ lực tột cùng của người Việt Nam. Dù cơ thể bị căng cứng vì chuột rút, cô vẫn bước những bước cuối cùng về vạch đích, khiến tất cả những ai chứng kiến hôm đó đều không kìm được cảm xúc.

Dù cơ thể đã căng cứng vì chuột rút, Phạm Hồng Lệ với ý chí sắt đá vẫn không bỏ cuộc.

Xét về phương diện cá nhân, ở môn bơi lội, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đã thi đấu đầy cố gắng khi mang về tổng cộng 6 HCV và trở thành một trong ba VĐV giành nhiều huy chương nhất đại hội.

Vậy mà kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn rớm nước mắt sau khi giành HCV nội dung 400 m hỗn hợp. Chứng kiến những giọt nước mắt của Ánh Viên dù đứng ở bục cao nhất ở SEA Games, nhiều người không khỏi xót xa vì những trọng trách đang đè nặng lên đôi vai khi được kỳ vọng giành 8 HCV ở đại hội này, cũng như những áp lực cạnh tranh từ những VĐV trẻ hơn của các quốc gia khác. Để đạt được thành tích này, Ánh Viên đã phải đánh đổi cả tuổi thơ, tuổi trẻ của mình cho những chuyến tập luyện và thi đấu dài đằng đẵng...

Ánh Viên dũng mãnh trên đường đua xanh.

Câu chuyện cảm động khác về cô gái Vương Thị Huyền òa khóc khi nghĩ về những ngày tháng chịu nhiều hy sinh và đặc biệt là nỗi đau người cha vừa mất cách SEA Games 10 ngày. Chia sẻ sau tấm HCV, Vương Thị Huyền xúc động cho biết suốt thời gian qua, em đã phải nén nỗi đau của cá nhân mình để tập luyện. Em nghĩ tới nhiệm vụ với Tổ quốc và tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong giây phút vinh quang này, Huyền muốn giành tấm HCV này để tưởng nhớ cha mẹ mình.

Vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống, đô cử Vương Thị Huyền mang về HCV cho Đoàn TTVN.

SEA Games năm nay cũng chứng kiến nhiều điều bất ngờ khi lần đầu tiên nội dung đơn nam môn quần vợt chưa thi đấu chung kết chúng ta đã biết chắc cả huy chương vàng và huy chương bạc đều thuộc về Việt Nam, khi Lý Hoàng Nam đấu với Cao Nguyễn. Cái cách Cao Nguyễn thể hiện khát vọng về ý thức dân tộc, hướng về nòi giống Lạc Hồng bằng việc từ Mỹ trở về khoác lên mình màu áo Việt nam lần đầu tham dự SEA Games thật đáng yêu biết chừng nào.

Trận chung kết tennis lịch sử toàn Việt Nam.

Rồi đến cặp đôi Nguyễn Anh Tú - Đoàn Bá Tuấn Anh mang về tấm HCV đôi nam bóng bàn cho Việt Nam sau 10 năm chờ đợi. Đây là thành tích vô cùng đặc biệt với bóng bàn Việt Nam trong bối cảnh Singapore làm bá chủ Đông Nam Á quá lâu, nhờ có các vận động viên Trung Quốc nhập tịch.

Và ở SEA Games, lần đầu tiên các “cô gái vàng” của đội tuyển bóng đá nữ được thi đấu dưới sự cổ vũ của nhiều lá cờ tổ quốc và người hâm mộ đến như vậy. Đã 5 lần vô địch, nhưng chỉ đến lần thứ 6 đăng quang, họ mới được nhiều người nhắc tới. Những hi sinh, cống hiến âm thầm của họ cả trong cuộc sống lẫn sân cỏ đến giờ mới được biết tới.

Nữ hoàng bóng đá Đông Nam Á.

Một cảm xúc lâng lâng khó tả khi chứng kiến hàng nghìn người hâm mộ đổ xô vào xin chữ ký, chụp ảnh cùng thần tượng khi HLV Mai Đức Chung cùng các cô gái của ông bước vào hàng ghế trên khán đài xem trận chung kết bóng đá nam. Nhìn những ánh mắt lấp lánh của các “nữ chiến binh” bên người hâm mộ, ai cũng tin rằng cuộc sống của các nữ cầu thủ sẽ đổi thay.

Hành trình phiêu lưu tìm vàng của “thuyền trưởng” Park Hang-seo cùng các học trò đã khép lại một cách viên mãn với chiếc vương miện lấp lánh sau 60 năm chờ đợi của bóng đá nam Việt Nam.

U22 Việt Nam lần đầu tiên mang HCV về cho bóng đá nam Việt Nam.

U22 Việt Nam và HLV Park Hang-seo bắt đầu quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30 với không ít khó khăn khi thiếu vắng nhiều gương mặt do chấn thương, còn các trụ cột khác phải cày ải nhiều ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển Việt Nam. Có thể nói, toàn bộ ban huấn luyện U22 Việt Nam bước vào kỳ SEA Games này trong không ít nỗi lo, nhưng chưa bao giờ cầu thủ và người hâm mộ lại tin tưởng hơn lúc này là Việt Nam sẽ phá dớp “chết trước ngưỡng cửa thiên đường”.

Vào giải đấu, không chỉ hai cầu thủ quá tuổi mà toàn bộ đội hình U22 Việt Nam đều thi đấu rất ấn tượng để lần lượt vượt qua từng đối thủ. Và hàng triệu trái tim Việt Nam thổn thức vì hạnh phúc khi chứng kiến U22 Việt Nam ghi tên mình vào lịch sử.

Bên cạnh đó, Đội tuyển vật đã đại thắng tại Philippines khi giành tới 12 HCV trên tổng số 14 bộ huy chương, ĐT Kurash cũng giành 7 HCV trong tổng số 10 bộ huy chương được trao...

Những giọt nước mắt chiến thắng của VĐV Nguyễn Thị Mộng Quỳnh khi giúp đội tuyển Taekwondo Việt Nam có được tấm HCV.

Có thể thấy, chiến tích nào cũng đáng quý, đáng trân trọng và đáng được chúng ta quan tâm hơn nữa rất nhiều. Tinh thần Việt đã thổi lên trong họ một sức mạnh phi thường, một ý chí sắt đá để các VĐV sẵn sàng cống hiến cả tinh thần, sức lực và đam mê. Tất cả đều thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, vì màu cờ sắc áo, vì Tổ quốc thân yêu, và họ cùng làm nên vẻ đẹp của SEA Games.

Bài, ảnh: THU HÀ - TRỌNG HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/sea-games-30/phia-sau-nhung-tam-huy-chuong-605174