Phía sau những vai phản diện trong phim TVB

Những diễn viên kì cựu của TVB đã lột tả 'nhân cách ác' như thế nào ?

Nhân vật Joker trong bộ phim kinh điển The dark knight đã nói với siêu anh hùng Batman rằng: “Mày hoàn thiện tao… Khi không có những thằng như tao, ai sẽ cần đến mày chứ, người hùng ?”. Trong mối quan hệ giữa vai thiện và vai ác có sự tương hỗ lẫn nhau như thế. Kẻ chính diện lột tả những thiếu sót của kẻ phản diện và ngược lại. Chính vì vậy, những diễn viên kì cựu không bao giờ hóa thân vào nhân vật ác với tâm thế diễn vai phụ. Họ luôn hiểu rằng, muốn anh hùng tỏa sáng thì kẻ ác phải có đủ nội lực để so găng.

Cùng một nhân vật phản diện Liêm Tấn (“Cỗ máy thời gian”), khán giả cho rằng bạn diễn trẻ không thể hóa thân hay bằng đàn anh Giang Hoa.

Cùng một nhân vật phản diện Liêm Tấn (“Cỗ máy thời gian”), khán giả cho rằng bạn diễn trẻ không thể hóa thân hay bằng đàn anh Giang Hoa.

Những giám chế của nhà đài TVB vốn hiểu điều đó. Họ đặt để nhân vật phản diện vào tay của những diễn viên có thể nâng tầm nhân vật. Thường thấy nhất và cũng thành công nhất, là dạng vai ác ngụy quân tử. Thậm chí, có hẳn một danh sách dài những diễn viên TVB “chuyên trị” dạng vai này.

Tam Ca Miêu Kiều Vỹ luôn gây chú ý bởi những vai diễn xảo quyệt, tham vọng.

Nụ cười nhếch môi với đôi mắt nhìn xoáy đã trở thành thương hiệu của Miêu Kiều Vỹ.

Khương Đại Vệ cũng là một tiêu biểu cho lớp diễn viên chuyên đóng vai ngụy quân tử. Ông luôn xuất sắc trong mỗi lần xuất hiện.

Trong thể vai phản diện, kiểu ngụy quân tử là khó cảm nhận nhất: con người này vừa muốn sống ích kỉ theo ý mình, vừa muốn tỏ ra khoan dung, đường hoàng trong mắt người khác. Mỗi một ngày hắn đều phải suy tính mưu kế, che đậy lọc lừa, sẵn sàng lợi dụng và bị lợi dụng. Chưa kể, sự ganh tị luôn dằn vặt khiến hắn muốn đạp lên trên người khác, bất chấp thủ đoạn. Sau cùng là nỗi sợ bị vạch trần và mất đi mọi thứ.

Nhân vật Đinh Hữu Khang từng bước giết hết người này đến người khác vì không muốn đánh mất tiền tài, địa vị. Cuối cùng trở thành kẻ phản diện số 1 trên màn ảnh Hong Kong.

Trong “Tỳ vết của ngọc”, nhân vật của Lâm Bảo Di chọn cách sống hai mặt để trả thù, bất chấp lợi dụng vợ con, thậm chí hy sinh hạnh phúc chính mình.

Diễn viên thường thể hiện nụ cười đểu cáng nhưng ánh mắt lại giả tạo cương nghị. Gương mặt đôi khi lộ vẻ quyết tâm nhưng rồi lại ẩn giấu đi sự quyết tâm đó, lúc bình thường thì cố gắng duy trì hình ảnh thản nhiên, điềm đạm. Ngay từ đầu người xem không nắm chắc họ tốt hay xấu. Đôi khi, kịch bản còn yêu cầu nhân vật ác biểu diễn tài năng, sự ham mê trước cám dỗ, hoặc là bộc lộ những khám phá nội tâm khác. Dần dà, họ đã trở thành linh hồn của mạch phim, bên cạnh vai chính diện.

Nhân vật Trương Tự Lực - Cổ Thiên Lạc nở nụ cười khô khốc với ánh nhìn quyết liệt.

Quách Tấn An cũng dùng nụ cười đó để lột tả sự biến chất của nhân vật Cao Triết Hành.

Thị đế Quách Tấn An thường duy trì kiểu nhân vật che đậy cảm xúc tốt. Khi hóa thân vào vai ác, anh luôn giải phóng cơ mặt, biểu đạt cảm giác thân thiện, khiến khán giả tưởng đây là nhân vật tốt. Chỉ đến khi cần thiết, anh mới cho thấy “khuôn mặt thật” tàn nhẫn, điên cuồng vì dục vọng. Anh là một trong số ít diễn viên có thể vào vai khó đoán, tạo cho người xem cảm giác tò mò thú vị.

Trước đây, anh cũng thành công khi thể hiện nhân vật ác trong phim “Tìm lại một nửa”. Diễn xuất của Quách Tấn An khiến khán giả tưởng đây là nhân vật tốt cho đến khi vở kịch hạ màn.

Điều khiến khán giả khó căm ghét nhân vật ác của TVB là lý tưởng. Mỗi một nhân vật đều có cho mình một lý tưởng mạnh mẽ để theo đuổi. Nhân vật phản diện cũng thế. Họ cũng có mục đích chính đáng để đấu tranh, để tồn tại. Đôi khi, chúng ta bị họ thuyết phục. Thậm chí có khi, những biên kịch “khoáng” hẳn nhân vật phản diện vào vai chính, để khán giả theo dõi câu chuyện từ điểm nhìn của kẻ ác. Chúng ta hiểu được câu chuyện của họ, hiểu được tâm tư sâu kín của họ. Biên kịch để cho chúng ta tự chọn: có nên đồng tình với nhân vật hay không.

Có thể nói chúng ta cậy nhờ kẻ ác một niềm cảm hứng để nhìn đời bằng lăng kính khác. Chúng ta, những khán giả, hi vọng nhân vật phản diện sẽ giải đáp cho mình những khúc mắt nhân sinh.

Gia đình phản diện của Đinh Giải luôn trung thành với lý tưởng vượt lên trên người khác, đến chết cũng không nhận sai. Là đáng trách hay đáng thương ?

Khi xem “Thâm cung nội chiến”, khán giả cũng động lòng vì hoàn cảnh của những “ác nữ” này!

Trong bộ phim “Quyền lực của đồng tiền”, sự ác hóa của nam chính Mục Hưng (Mã Đức Chung) khiến khán giả khó xử. An phận thủ thường tốt hơn hay đấu tranh vì quyền lợi mới là đúng?

Nếu nói vai diễn là thước đo trình độ của diễn viên thì vai phản diện càng là cú ghi điểm vào lòng công chúng. Có nhiều diễn viên lành nghề nhưng khi hóa thân vào thể vai này, họ rơi vào tình trạng “thiếu chút gì đó”, khiến nhân vật không trọn vẹn. Sự thiếu sót có thể do bản thân người diễn viên đã cố gắng thể hiện quá mức giới hạn cần thiết của nhân vật. Hoặc là, họ chưa “đồng tình” với cách nghĩ của nhân vật. Điều đó khiến cho sự kết nối giữa cảm xúc người diễn viên với lớp áo nhân vật bị lỏng lẻo.

Quách Chính Hồng với những vai phụ - phản diện nổi tiếng, ghi dấu ấn trong fan TVB.

Khi thể hiện vai chính diện một cách nhạt nhòa, khán giả có thể coi đó là ý đồ kịch bản. Tuy nhiên, nếu đóng vai phản diện mà thiếu điểm nhấn, không khiến ai ghét, mà cũng không khiến ai thương, thì khán giả sẽ cho là diễn viên không đủ nội hàm. Thế nên, nhiều diễn viên giỏi nhưng không có nghĩa là họ hợp với thể vai này.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có hẳn những cái tên chuyên trị vai ác trên màn ảnh TVB nhiều năm qua. Thậm chí, có những nhân vật đã trở nên bất tử trong lòng công chúng. Bạn có nghĩ vậy không?

Nhật Ngân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phia-sau-nhung-vai-phan-dien-trong-phim-tvb-3594756.html