Phía sau tấm ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách 6 tỷ km

Sau 8 năm và 6 lần đề nghị, cuối cùng nhà thiên văn học Carl Sagan cũng thuyết phục được các cộng sự cho con tàu hướng về Trái Đất để chụp những bức ảnh cuối cùng.

 Tấm ảnh chụp từ tàu vũ trụ Voyager 1 cho thấy Trái Đất nhỏ bé hơn hẳn so với những hình dung của chúng ta. Ảnh: NASA.

Tấm ảnh chụp từ tàu vũ trụ Voyager 1 cho thấy Trái Đất nhỏ bé hơn hẳn so với những hình dung của chúng ta. Ảnh: NASA.

"Pale Blue Dot" (đốm xanh mờ) từng là bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách xa nhất do tàu vũ trụ Voyager 1 của NASA chụp ngày 14/2/1990. Khi đó, tàu vũ trụ ở vị trí cách Trái Đất 6,06 tỷ km.

Bức ảnh này sau đó trở thành cảm hứng cho tựa sách "Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space" của nhà thiên văn học Carl Sagan và được xem là một trong những tấm ảnh đáng nhớ nhất được chụp từ không gian.

“Nhìn vào đốm sáng ấy đi. Đó chính là nhà, là chúng ta. Đó cũng là nơi những người ta yêu thương, quen biết và cả những người ta chưa từng gặp mặt tồn tại và sinh sống”, ông chia sẻ.

Sơ đồ bộ ảnh chụp Hệ Mặt Trời của Voyager 1 năm 1990. Ảnh: NASA.

Trái Đất thu nhỏ chỉ bằng 0,12 pixel

Vào thời điểm tấm ảnh ra đời, Voyager 1 đã hoàn tất nhiệm vụ chính của mình, vượt qua khỏi quỹ đạo của Hải Vương tinh và đang ra khỏi Hệ Mặt Trời. Khi đó, các nhà khoa học của NASA quyết định điều khiển con tàu hướng ống kính camera để chụp các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

Voyager 1 đã chụp tổng cộng 60 tấm ảnh khác nhau để tạo thành “Bộ ảnh chân dung gia đình” (Family Portrait) dành riêng cho Hệ Mặt Trời. Trong bộ ảnh này, Voyager 1 chụp thành công một bức ảnh cuối cùng về Trái Đất trước khi rời đi. Ở tấm ảnh “Pale Blue Dot”, hành tinh xanh chỉ hiện lên giống như một "đốm xanh mờ" chiếm chưa đến một điểm ảnh (pixel) giữa những vệt sáng trong vũ trụ bao la.

Ảnh gốc "đốm xanh mờ" vào năm 1990. Ảnh: NASA.

Ngoài Trái Đất, Voyager 1 còn chụp ảnh của Hải Vương tinh, Thiên Vương tinh, Thổ tinh, Mộc tinh và Kim tinh. Những hành tinh khác không thể chụp được là bởi Hỏa tinh bị che mờ bởi những vệt sáng xung quanh camera, Thủy tinh quá gần mặt trời và Diêm Vương tinh quá nhỏ, quá xa và quá tối nên không thể nhận dạng khi chụp ảnh.

Theo NASA, những ảnh chụp Trái Đất của Voyager 1 đã cho nhân loại một cái nhìn bất ngờ về nơi họ sinh sống và những hành tinh xung quanh. Trái Đất chỉ xuất hiện như đốm xanh mờ giữa vũ trụ, xẹt ngang là những tia sáng. Trái Đất trong tấm ảnh "chỉ có kích thước bằng 0,12 pixel”, cơ quan hàng không cho biết.

Một trong những sự thật thú vị về quá trình chụp tấm “Pale Blue Dot” là nó vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu của nhóm điều khiển sứ mệnh Voyager 1. Trên thực tế, nhiều thành viên trong đoàn đã phản đối đề nghị chụp ảnh các hành tinh vì nguồn lực hạn chế và nguy cơ gây hỏng ống kính camera do phơi sáng quá mức trước Mặt Trời.

Sau 8 năm và 6 lần đề nghị, cuối cùng nhà thiên văn học Carl Sagan cũng thuyết phục được các cộng sự cho con tàu hướng về Trái Đất để chụp những bức ảnh cuối cùng. "Pale Blue Dot" được chụp chính xác vào lúc 4h48 (giờ UTC) ngày 14/2/1990, chỉ 30 phút trước khi hệ thống camera của Voyager 1 ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài chụp Trái Đất, Voyager 1 còn chụp nhiều hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA.

"Dự án Voyager dự kiến vô hiệu hóa camera quay hình của tàu Voyager 1 để tiết kiệm năng lượng vì cả Voyager 1 và 2 sẽ không bao giờ bay gần các vật thể nào khác để chụp ảnh nữa", NASA cho biết.

Mất nhiều tháng để chuyển tấm ảnh về Trái Đất

Thông qua "Pale Blue Dot", đội ngũ hình ảnh của Voyager muốn thể hiện sự mong manh, nhỏ bé của Trái Đất đang trôi nổi giữa vũ trụ. Tấm ảnh còn xuất hiện những vệt sáng rời rạc chính là những tia sáng do ống kính tạo ra khi hướng trực tiếp vào Mặt Trời.

Vào thời điểm đó, Voyager 1 cách Trái Đất 40 AU (gần 6 tỷ km) nên ánh sáng của Trái Đất mất 5 giờ 36 phút để đến được đó. Cũng bởi vì cách rất xa Trái Đất, Voyager 1 phải trải qua rất nhiều bước truyền tin khác nhau với hệ thống Deep Space Network và mất vài tháng trời để chuyển toàn bộ dữ liệu chụp được.

Không chỉ vậy, tìm cách để trình chiếu toàn bộ tấm ảnh cho đúng với kích thước ảnh gốc Voyager gửi về cũng là một thách thức với các chuyên gia. Jet Propulsion Laboratory đã phải treo một khung ảnh rộng hơn 6 m để trình bày tấm ảnh.

Tuy nhiên, một tài liệu nghiên cứu của đội hình ảnh Voyager vào năm 2019 cho biết tấm ảnh "Pale Blue Dot” đã bị thay thế rất nhiều lần vì bị quá nhiều người chạm vào.

"Pale Blue Dot" được xử lý lại vào năm 2020. Ảnh: NASA.

Năm 2020, để kỷ niệm 30 năm tấm ảnh ra đời, Jet Propulsion Laboratory của NASA công bố một phiên bản mới của "Pale Blue Dot". Tấm ảnh sử dụng phần mềm xử lý hình ảnh và những kỹ thuật cao cấp để giữ nguyên ý đồ ban đầu của người chụp. Trong tấm ảnh mới, Trái Đất vẫn là một đốm xanh nhỏ xíu giữ vũ trụ rộng lớn và các vệt sáng vẫn chạy ngang như tấm ảnh gốc. Điểm khác biệt là tấm ảnh sau chỉnh sửa đã sắc nét và sáng hơn.

"'Pale Blue Dot' là cơ hội cuối cùng của chúng tôi. Tôi nhận ra tấm ảnh này có giá trị vượt thời gian", Candy Hansen của Planetary Science Institute chia sẻ. Vào thời điểm 1990 bức ảnh được ra đời, Chiến tranh lạnh đang diễn ra nên thông điệp của bức ảnh là hãy bảo vệ hành tinh mẹ, đừng gây chiến với nhau.

Giờ đây, thông điệp của nó lại là đừng gây hại đến Trái Đất bởi sự vô tâm của con người mà hãy cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu đang hủy hoại hành tinh, Candy Hansen nói.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-tam-anh-chup-trai-dat-o-khoang-cach-6-ty-km-post1425640.html