Phía sau tay lái

Rượu, bia làm rối loạn nhận thức, hành vi của con người nên Luật Giao thông đường bộ đã cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thống kê từ Ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, khoảng 40% các tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia. Đáng tiếc, còn quá nhiều người vẫn lái xe khi đã sử dụng rượu, bia, gây ra tai nạn từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng.

Hiện trường vụ TNGT tại ngã tư Hàng Xanh.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về tai nạn giao thông (TNGT) do 1 phụ nữ điều khiển ô tô hạng sang gây nên tai ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) vào đêm 21/10, làm 1 người chết tại chỗ, 7 người khác bị thương.

Vụ TNGT thảm khốc ở ngã tư Hàng Xanh đêm 21/10, là minh chứng rõ nhất về tội ác sau tay lái. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia đang là thực trạng nhức nhối ở nhiều địa phương trên cả nước. Thực trạng này có nguyên nhân từ các bữa tiệc, cuộc ăn uống có rượu bia mà không ít người tham dự, khó làm chủ được mình trước những việc mời, ép nhau uống theo kiểu “không say không về!”. Xã hội phát triển, đời sống nâng cao, lạm dụng rượu, bia càng trở nên phổ biến, khó kiểm soát. Các bữa tiệc ở nhà hàng sang trọng hay các cuộc nhậu vỉa hè, đều chung niềm phấn khích “một hai ba…dzô !”, mời mọc nhau uống cho tới bến bờ.

Bất cứ ai từng tham gia các cuộc uống tàn canh, vô tiền khoáng hậu, hiểu rằng sẽ không bao giờ làm chủ được mình khi “quá chén”. Có thể khi rời bữa tiệc ở khách sạn, nhà hàng, người tham gia cuộc vui còn cảm giác tỉnh táo nhưng chỉ ít phút, thậm chỉ chỉ vài giây sau – khi rượu đã thấm, người uống sẽ rơi vào trạng thái lơ mơ, vô thức. Mọi TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra khi người sử dụng rượu bia rơi vào trạng thái này

Chia sẻ thông tin tại lễ ký chương trình hợp tác giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với Hiệp hội Doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) vào đầu năm nay; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban này cho biết: Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 40% nạn nhân bị TNGT là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia (vi phạm nồng độ cồn) gây nên. Mọi người, mọi thành phàn xã hội đều có lý do để uống rượu, bia, trong khi mỗi ngày trên cả nước có 22 người tử vong do TNGT. Tại lễ ký kết này, ông Cyril Sayag, Phó Chủ tịch đối ngoại, bền vững và trách nhiệm xã hội của ASPIWSA cũng cho rằng, cần phải tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng trước thách thức của lạm dụng rượu, bia. Thông điệp mà đại diện ASPIWSA đưa ra là “người tốt đã uống (rượu, bia) thì không lái xe!”.

Từ năm 2016, những thông tin đáng quan ngại về tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia tham gia giao thông ở Việt Nam cũng được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, đưa ra. Theo đó, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm phản ứng của người điều khiển phương tiện từ 10 đến 30%. Rượu, bia cũng đồng thời làm giảm khả năng tự chủ, phản xạ của người điều khiển phương tiện, gia tăng mức độ rủi ro, dẫn đến TNGT. Thông tin được ông Khuất Việt Hùng đưa ra tại buổi họp báo ngày 21/7/2016 liên quan đến tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng đề cập đến thiệt hại về kinh tế từ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia. Theo đó, thế giới mất đi 1.500 tỷ USD/năm từ TNGT do rượu, bia. Ở Việt Nam, TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia làm thiệt hại 2,9% GDP/năm.

Ngày 24/10, các nạn nhân bị thương trong vụ TNGT ở ngã tư Hàng Xanh vào đêm 21/10 vẫn đang được điều trị tích cực tại các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh. Các Luật sư nhận định, người phụ nữ uống rượu, điều khiển ô tô gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở ngã tư Hàng Xanh sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự (theo các Điều 604, 605 Bộ luật Dân sự) và hình sự (theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự quy định: Người điều khiển phương tiện (trong trường hợp này là ô tô) sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định…, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe 2 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 122% đến 200% và gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Luật pháp có khung hình phạt rõ ràng cho tội danh sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện gây TNGT nhưng tội ác sau tay lái, vẫn là nỗi ám ảnh, nhức nhối của đời sống xã hội - khi rượu, bia vẫn còn bị lạm dụng

Bắt giam nữ tài xế gây tai nạn liên hoàn

Chiều 24/10, theo nguồn tin từ Công an TP HCM, Công an quận Bình Thạnh vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1972, ngụ quận 12) về tội “vi phạm các quy định về an toàn khi tham gia giao thông đường bộ”. Được biết, bà Nga là người cầm lái chiếc xe hơi gây tai nạn liên hoàn rạng sáng ngày 22/10 vừa qua tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) khiến 1 người chết và 6 người bị thương nặng khi đang dừng xe máy chờ đèn đỏ.

Bước đầu bà Nga khai nhận đã điều khiển xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá quy định.

Đ.Xá

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/phia-sau-tay-lai-tintuc420841