Phía sau tham vọng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab

Mỹ đang kêu gọi các nước Arab theo bước Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ký thỏa thuận hòa bình với Israel. Vậy Mỹ và đồng minh Israel đang toan tính điều gì phía sau thỏa thuận mà cả hai gọi là 'lịch sử' này?

Washington khẳng định việc các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ giúp cải thiện chính đời sống của người dân các nước này và giúp tăng cường sự ổn định ở Trung Đông. Nhưng kỳ thực phía sau những lời lẽ có phần hoa mỹ này lại là mục tiêu mà cả Mỹ và Israel đều tìm kiếm, đó là bổ sung cho "bảng thành tích" khiêm tốn về đối ngoại trong lúc cả hai đều đang phải vật lộn với các vấn đề trong nước.

Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, việc bình thường hóa quan hệ với UAE là cách để ông đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những bê bối liên quan tới cáo buộc của tòa án nhằm vào mình. Hòa bình với UAE, ông cũng mong muốn làm dày hơn những di sản nhiệm kỳ, sánh ngang với cố Thủ tướng Menachem Begin-người đã ký Hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Israel và Ai Cập, hay cố Thủ tướng Yitzhak Rabin-người đặt nền móng quan hệ Israel-Jordan năm 1994.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Bahrain trong chuyến công du Trung Đông nhằm kêu gọi các nước Arab ký thỏa thuận hòa bình với Israel. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Bahrain trong chuyến công du Trung Đông nhằm kêu gọi các nước Arab ký thỏa thuận hòa bình với Israel. Ảnh: AP

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cuộc bầu cử đang tới gần, ông càng phải cố gắng hiện thực hóa tầm nhìn về khu vực Trung Đông mà ông từng công bố vài tháng trước, trong đó bao gồm cả thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE, còn được biết dưới cái tên thỏa thuận Abraham. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan phức tạp ở Mỹ cùng sự sa sút về kinh tế trong nước, một thành tích ấn tượng về đối ngoại sẽ mang tới cho ông thêm ít nhiều cơ hội ghi điểm trước cử tri.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận bình thường hóa nói trên nhằm tập hợp một liên minh giữa Israel và các nền quân chủ tại các nước theo dòng Sunni ở vùng Vịnh để răn đe tập thể đối với Iran, quốc gia Hồi giáo mà những người Shiite nắm vai trò nổi bật. Tehran cũng từ lâu cho rằng Mỹ, Israel và các vương quốc Hồi giáo dòng Sunni có âm mưu phối hợp với nhau để lật đổ các thủ lĩnh Hồi giáo Iran. Thực tế, Israel và UAE đã bí mật hợp tác với nhau trong nhiều thập kỷ và giờ đây hai quốc gia mới chính thức công khai bằng một thỏa thuận để răn đe Iran.

Iran đã trở thành "kẻ thù" chung của cả Mỹ và Israel. Vì vậy, việc tìm kiếm biện pháp răn đe tập thể đối với Nhà nước Hồi giáo của hai đồng minh này cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, giới phân tích còn cho rằng tương lai chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông sẽ dựa trên mối quan hệ giữa Israel và các đồng minh Arab của Washington. Với việc các nước Arab khác có thể sẽ theo bước Ai Cập, Jordan và UAE tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel, Washington sẽ có điều kiện để thúc đẩy an ninh cũng như bảo vệ những lợi ích chung.

Hơn nữa, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa muốn tái cử Donald Trump đang cần phải thúc đẩy chương trình nghị sự Trung Đông bởi ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden cũng đang tập trung cho vấn đề này để thu hút phiếu ủng hộ. Về vấn đề Iran, với mục tiêu kiềm chế các hoạt động của Tehran mà không cần sử dụng sức mạnh quân sự, ông Joe Biden rất muốn lôi kéo Nhà nước Hồi giáo trở lại với một “bản cập nhật” của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 JCPOA. Cụ thể là cần phải có một bản thỏa thuận có tính chất ràng buộc cứng rắn hơn, được mở rộng bao gồm việc chấm dứt chủ nghĩa can thiệp của Iran ở Yemen, Syria và Iraq như một điều kiện tiên quyết để cho phép Tehran quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu.

Đối với Tổng thống Donald Trump, phong cách ngoại giao thực dụng đang được thể hiện triệt để, vì dẫu sao xu hướng dàn xếp song phương của chính quyền do ông lãnh đạo vẫn có sức hấp dẫn với một số đồng minh ở khu vực. Việc UAE chấp thuận thỏa thuận Abraham chính là minh chứng cho thấy những cam kết và hứa hẹn hợp tác về quân sự của Mỹ cũng như đồng minh Israel với UAE đã phát huy tác dụng. Có thông tin nói rằng, thỏa thuận Abraham có thể khiến Mỹ hoặc Israel (hoặc cả hai) “thưởng” cho UAE những năng lực về quân sự vốn vẫn bị hai nước này từ chối cho đến nay, trong đó bao gồm thông tin về việc Mỹ bán máy bay tàng hình F-35 cho UAE. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã phản đối động thái này vì nó có thể làm giảm ưu thế chiến lược của Israel ở khu vực Trung Đông.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/phia-sau-tham-vong-binh-thuong-hoa-quan-he-giua-israel-va-cac-nuoc-arab-633277