Phiên chợ ăm ắp tình người

Chợ Mèo Vạc (thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) họp tất cả các ngày trong tuần, nhưng chỉ đặc biệt hơn vào ngày chủ nhật, khi mà hàng nghìn người ở các xã vùng cao, cách xa cả chục kilômét đều nô nức xuống núi. Người ta đến phiên chợ không chỉ để trao đổi, mua bán mà có khi chỉ để vui chơi, gặp gỡ bạn bè.

Những cô gái dân tộc với váy áo sặc sỡ vượt hàng chục ki-lô-mét xuống chợ.

“Trung tâm giao thương”

Khi thị trấn vùng cao biên giới vẫn còn bị sương mù bao phủ thì chợ Mèo Vạc đã đông đúc từ bao giờ. Hôm nay là chủ nhật nên phiên chợ đông hơn hẳn những ngày thường. Ngoài đồng bào ở các xã lân cận thị trấn Mèo Vạc như Cán Xu Phì, Pả Vi, Tát Ngát, Tà Lủng, còn có rất đông đảo bà con các dân tộc ở những xã vùng sâu, xa như Sùng Trà, Xín Cái, Ba Tần… cũng “xuống núi” tham dự phiên chợ. Chị Lù Thị Pa, xã Pả Vi chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa là sẽ đến được trung tâm chợ Mèo Vạc, nhưng có mấy ai biết được, chị với đám bạn cùng lứa tuổi đã rời nhà xuống chợ từ lúc nửa đêm, vượt qua gần 20km đường đèo dốc.

Chị Pa cho biết thêm: “Ta ở chưa xa đâu, phải hỏi đám người đi trước kia. Họ từ Xín Cái, Thượng Phùng ra đấy. Chắc họ còn đi chợ từ cuối ngày hôm qua cơ”. Được biết, ở Xín Cái cũng có phiên chợ giáp biên nhưng nhỏ hơn ở đây nhiều, nên thỉnh thoảng đồng bào các địa phương này vẫn vượt quãng đường xa xôi để được xuống chợ phiên của huyện.

Hơn 5 giờ sáng, phiên chợ đã thu hút khoảng vài nghìn người tụ họp. Có muôn vàn mặt hàng “đặc sản” vùng cao như gà, lợn của đồng bào Mông, gạo trắng của người Hà Nhì, rau quả của người Lô Lô… nhưng nhiều nhất có lẽ là rượu ngô. Món hàng mà anh Vừ Tông Lin, 27 tuổi cùng người vợ mình ở xã Cán Xu Phì đem đến phiên chợ hôm nay chỉ là vài con gà “cắp nách” và can rượu ngô do gia đình tự chưng cất. Nhưng họ cũng bắt đầu rời nhà từ lúc 2 giờ sáng. Không chỉ vợ chồng anh mà các gia đình trong thôn cũng soi đèn đi từ sớm. “Nhà ta cũng nuôi được mấy con bò lớn, trước Tết đã bán một con rồi, giờ còn 2 con bò cái, một con bò đực để cho nó đẻ thôi” - Anh Lin khoe.

Cùng đi chợ với vợ chồng Lin là anh Vừ Xia Chìa, người cùng bản, người đàn ông này đang dắt theo một con bò đực lớn ra chợ. Vừ Xia Chìa nói rằng, con bò của anh đã được các lái thương vào tận nhà trả đến 6 triệu đồng nhưng anh vẫn thấy “cái bụng” không thích, nên mới dắt ra chợ hôm nay để mọi người ra giá. “Nếu bán được con bò đực này, ta sẽ mua tiếp 2 con bê nữa để chăn dắt, cộng với 3 con còn trong chuồng thì đàn bò của ta ngày một thêm đông” - Vừ Xia Chìa giải thích.

Gà “cắp nách” là mặt hàng rất được ưa chuộng tại chợ phiên.

Xuống chợ không chỉ để mua, bán

Người dân từ các xã xuống phiên chợ chủ yếu để mua sắm các thứ thiết yếu nhất cho cuộc sống thường ngày của họ như muối, dầu… Thế mới có câu chuyện mà người dưới xuôi nghe tưởng như rất hài: Một người đàn ông dân tộc Mông đi bộ 20km đường đồi dốc xuống chợ chỉ để mua mỗi cái điếu hút thuốc lào. Nhưng câu chuyện đó đang đúng với rất đông đồng bào ở phiên chợ này.

Ở phiên chợ, có nhiều người xuống chợ không vì mục đích mua sắm, họ xem phiên chợ như nơi gặp gỡ trao đổi cách chăn nuôi, sản xuất, vui chơi, gặp gỡ bạn bè sau cả tuần làm việc mệt nhọc trên nương rẫy. Có những người dắt bò xuống chợ, chưa hẳn để bán mà chỉ để “khoe” với bạn bè về cách chăn nuôi của mình. Còn có những người phụ nữ Mông xuống chợ với váy áo sặc sỡ để “phô” bàn tay khéo léo của mình, từ đó, những cô gái chưa chồng có thể tìm thấy bạn tình. Đã biết bao cô gái, chàng trai nên duyên vợ chồng sau những lần gặp ở chợ phiên.

Nhiều người đàn ông xuống chợ chỉ vì “nhớ” món thắng cố cổ truyền. Mỗi phiên chợ Mèo Vạc có chừng 10 chảo thắng cố tỏa hương thơm ngào ngạt. Thắng cố có nghĩa là “canh thịt”, cách làm rất đơn giản, gồm: Đầu và vó bò dội nước sôi làm sạch lông, thui vàng trên than củi, dùng búa chặt nhỏ rồi xếp vào chảo cùng với thịt, tim, gan, phổi, ruột đã được làm sạch, thái to bằng bao diêm, ướp với hạt tiêu rừng… đổ nước vào đun sôi trong 3 giờ là ăn được. Những người làm thắng cố nhiều năm cho rằng, món này càng đun lâu càng ngon.

Mang bò đến phiên chợ có khi chỉ để “khoe”.

Khách miền xuôi đi chợ vùng cao luôn ngạc nhiên với lòng hiếu khách của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ luôn dành những thức ngon nhất để khoản đãi người từ phương xa tới. Nếu ai may mắn được trải nghiệm một ngày cùng chợ phiên Mèo Vạc thì chắc nó sẽ ăn sâu vào ký ức của cả đời người. Bởi ở đó sẽ không nhìn thấy sự bon chen buôn bán kiếm lời như một phiên chợ bình thường. Vượt lên tất cả là nơi gặp gỡ của tình đoàn kết, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của các dân tộc anh em sống nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phien-cho-am-ap-tinh-nguoi/