Phiên giải trình về môi trường ô nhiễm ở xã Đông Hà – Đức Linh: Trước 1/1/2025 các trại chăn nuôi phải di dời hoặc dừng hoạt động

Mới giải quyết phần ngọn, tình huống

Thường trực HĐND huyện Đức Linh vừa tổ chức phiên giải trình về thực trạng hoạt động của các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các cụm công nghiệp tại xã Đông Hà.

Phiên giải trình về thực trạng hoạt động của các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng đến môi trường.

Cụ thể là Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận; Công ty TNHH MTV đầu tư sản xuất Thương mại dịch vụ Đức Phát; Công ty TNHH chăn nuôi TAFA Việt; Công ty TNHH Lam Chi và hộ chăn nuôi Phạm Văn Thành. Tại cuộc họp, qua giải trình của UBND huyện và các phòng ban có liên quan cho thấy việc quản lý môi trường ở đây kéo dài và khó khắc phục mùi hôi lẫn xả thải, dù huyện đã phân hóa từng trường hợp và đôn đốc xử lý.

Các đại biểu đại diện tỉnh, huyện và các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn dự phiên giải trình

Trong khi Công ty TNHH chăn nuôi TAFA Việt có thiện chí khắc phục mùi hôi bằng hàng loạt các giải pháp và đã mang về kết quả là không còn nghe mùi hôi phát ra nữa thì Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận vẫn không có động thái gì mang lại sự thay đổi rõ trên thực tế. Thậm chí, đầu tháng 12/2023, báo chí đăng tải nội dung và hình ảnh về Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận xả nước thải không đúng quy định ra môi trường. Điều đáng nói, đây là hành vi tái phạm, vì trước đó xí nghiệp này cũng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi xả thải. Còn mùi hôi thì nhân dân trong vùng và cả nhà đầu tư, doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp của xã Đông Hà đều khẳng định chính Xí nghiệp chăn nuôi Vissan đã phát tán mùi hôi đậm đặc ra môi trường. Nhưng nhiều tháng nay, vẫn chưa tiến triển, mùi hôi vẫn phát tán ra môi trường, trong khi đó, chưa có quy định xử lý hành chính đối với mùi hôi chăn nuôi và huyện cũng chưa có đơn vị đo đạc, phân tích nên chưa thể xử lý. Thành ra, Tổ kiểm tra môi trường của huyện cứ phải canh gác để bắt tại trận, rất nhọc nhằn. Tuy nhiên, điều đáng nói, khi kiểm tra hồ sơ, cơ sở thì xí nghiệp này có chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo yêu cầu. Các cơ sở khác cũng thế, ngoại trừ trang trại ông Thành, không có giấy phép môi trường.

Vì sao như thế? Các đại biểu cho rằng việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, áp dụng các biện pháp xử lý mùi hôi... các đơn vị này có hết, biết cách khắc phục hết nhưng không vận hành, không áp dụng vì sợ tốn kém, giảm lợi nhuận. Lúc căng thẳng thì mới chấp nhận tăng chi phí để giải quyết theo tình huống.

Lãnh đạo UBND huyện phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Huỳnh Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh nhấn mạnh, chỉ cần quan tâm đầu vào là thức ăn cho gia súc, gia cầm có đủ lượng enzim cần thiết thì đầu ra không hôi, cộng thêm việc che chắn, cây xanh bao quanh nữa sẽ càng không phát tán mùi ra bên ngoài. Tuy nhiên, giá enzim đắt, các doanh nghiệp cắt giảm nhiều để thu lợi nhuận cao nên thực tế đã xảy ra như thế.

Còn ông Lê Văn Toàn, Chủ tịch HĐND huyện Đức Linh nhìn ở góc độ khác rằng hiện các doanh nghiệp chăn nuôi đang giải quyết phần ngọn, chỉ có đầu tư công nghệ tiên tiến mới giải quyết được gốc của vấn đề. Bằng chứng, trên địa bàn huyện có nhà máy xử lý tinh bột mì ban đầu gây ô nhiễm môi trường nhưng khi thay đổi công nghệ mới thì không có mùi nữa.

Quang cảnh phiên giải trình

Chỉ còn 1 năm cho di dời theo Luật Chăn nuôi

Việc đầu tư công nghệ mới là chuyện khi các cơ sở chăn nuôi di dời đến vị trí mới. Vì hiện nay, tại khu vực này có 3 trang trại chăn nuôi không còn phù hợp với quy hoạch, định hướng quy hoạch huyện Đức Linh và quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT, Nghị quyết số 04/2023/ NQ-HĐND ngày 9/5/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận... Vì vậy, với trang trại hộ ông Thành phải thực hiện cam kết đến ngày 31/12/2023 sẽ chấm dứt chăn nuôi heo. Trang trại nuôi gà Đức Phát phải di dời. Còn với Xí nghiệp chăn nuôi Vissan cũng thế, nhưng khác là đã định được vị trí sẽ tới là cọc 17 của xã Tân Hà.

Bởi việc di dời của trại heo Vissan không phải đến bây giờ mới bàn tính mà từ năm 2019, tức 1 năm sau khi Luật Chăn nuôi 2018 ban hành, UBND tỉnh đã có chỉ đạo rà soát vị trí để di dời. Sau khi huyện Đức Linh làm việc, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Công ty mẹ của Xí nghiệp chăn nuôi heo Vissan Bình Thuận) cũng đã có Nghị quyết số 504/ NQHĐ QT-CTY ngày 16/1/2020 để di dời trại heo Vissan tại xã Đông Hà sang vị trí khác nhằm đảm bảo an toàn sinh học. Và vị trí di dời sang xã Tân Hà, vì UBND huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cọc 17 xã Tân Hà là 65,98 ha.

Sau nhiều công văn nhắc nhở, đến tháng 7/2023, UBND tỉnh tiếp tục có công văn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường và điều kiện cho chủ trương thực hiện di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận. Ngày 14/11/2023, UBND huyện Đức Linh tiếp tục có Công văn số 3038 đốc thúc công ty Vissan làm việc để đối tác có cơ sở lập hồ sơ, thủ tục xin đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy định tại vị trí mới.

Từ đó đến nay đã 4 năm, việc di dời này vẫn chưa xúc tiến được, thậm chí đứng im, vì nhiều lý do vin vào nội bộ công ty thay đổi nhân sự, việc xin ý kiến qua nhiều tầng nấc trong 1 công ty Nhà nước… Tuy nhiên, mùi hôi thì vẫn tiếp tục phát tán ra môi trường và xả thải cũng thế, đều lén lút. Nhưng việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sự phát triển của vùng thì đang hiển hiện trước mắt. Ngay trong phiên giải trình này, đại diện Xí nghiệp chăn nuôi Vissan cho biết vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Vì đây là dự án đầu tư thuộc quy mô lớn nên hiện nay, Hội đồng quản trị Công ty Vissan đang xin ý kiến của chủ sở hữu về kế hoạch, lộ trình, nguồn vốn để di dời qua vị trí mới. “Huyện đã có nhiều công văn nhắc nhở trong 4 năm qua. Chỉ còn 1 năm nữa, tức trước ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch, định hướng quy hoạch của huyện và không đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi thì phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018, có hiệu lực năm 2020. Nếu Vissan không di dời trong thời hạn 1 năm này thì Đức Linh kiến nghị tỉnh cưỡng chế dừng hoạt động theo luật định” – ông Huỳnh Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh nhắc nhở.

Còn ông Lê Văn Toàn, Chủ tịch HĐND huyện Đức Linh khẳng định rằng từ đây đến trước ngày 1/1/2025, không còn thời gian để các doanh nghiệp lần lữa chuyện không di dời. Trong thời gian này, tổ giám sát môi trường huyện sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo luật định. Sau phiên giải trình này, ông Toàn đề nghị các doanh nghiệp về họp bàn, nhất là chỗ Xí nghiệp Vissan, doanh nghiệp Đức Phát, hiện chưa có lộ trình di dời phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định.

Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy cho rằng việc di dời hay không di dời là việc của doanh nghiệp. Luật đã quy định trước thời điểm 1/1/2025 là doanh nghiệp phải tuân thủ. Nếu di dời trong thời gian cho phép thì huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ, vì vòng đời dự án còn và vì chính sách hỗ trợ đang dừng ở hộ chăn nuôi mà chưa có cho doanh nghiệp. Ông Húy cũng cho rằng, sau phiên giải trình, HĐND huyện có báo cáo tổng hợp trình để HĐND tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh giải quyết vấn đề theo luật định. Vì phải bảo vệ môi trường xanh cho thu hút đầu tư của các cụm công nghiệp và cuộc sống người dân.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phien-giai-trinh-ve-moi-truong-o-nhiem-o-xa-dong-ha-duc-linh-truoc-1-1-2025-cac-trai-chan-nuoi-phai-di-doi-hoac-dung-hoat-dong-115494.html