Phiên họp tháng 4-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Theo dự kiến của UBTVQH, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ được trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vào những ngày đầu của Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 44 – theo dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 4.

Theo dự kiến của UBTVQH, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ được trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vào những ngày đầu của Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất. Trong chuyến thăm làm việc tại châu Âu vào tháng 3-2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định với lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP): Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và châu Âu; mong muốn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm được ký kết, phê chuẩn vì phù hợp với lợi ích thương mại, đầu tư với những lợi ích chiến lược mang lại cho cả hai bên.

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh: Quốc hội)

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh: Quốc hội)

Ngày 12-2, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA đã được EP bỏ phiếu thông qua. Ngày 30-3, Hội đồng Châu Âu đã quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía Liên minh châu Âu. Theo quy trình, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.

Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực, EVFTA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Đáng quan tâm, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phien-hop-thang-4-2020-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-se-xem-xet-ho-so-phe-chuan-hiep-dinh-evfta-186890.html