Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

TCCSĐT - Giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng dự án luật, pháp lệnh, tránh tình trạng điều chỉnh Chương trình xây dựng luật; nguyên nhân tình trạng 'nợ', chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; biện pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật... là nội dung được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19-3.

Toàn cảnh phiên họp.

Nâng cao chất lượng đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Các Chương trình năm 2017, 2018 (đã được Quốc hội thông qua) và Chương trình năm 2019 (Tờ trình của Chính phủ số 43/TTr-CP, ngày 28-02-2018). Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất được Quốc hội chấp thuận và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định tổng số 718 văn bản, trong đó có 93 đề nghị và dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Mặc dù số lượng dự thảo văn bản lớn, nhiều văn bản có nội dung mới, phức tạp, nhưng Bộ Tư pháp đã cố gắng để bảo đảm tiến độ thẩm định. Đặc biệt, trong một số trường hợp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tập trung nguồn lực, rút ngắn thời gian thẩm định, như thẩm định các đề nghị xây dựng các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy hoạch; thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án lùi, rút khỏi Chương trình). Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật; có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đáng chú ý, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định. Ngoài ra, chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản...

Bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh

Để bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong đó tập trung thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ lập Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi.

Các bộ, ngành cần đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản. Đối với các bộ, ngành có dự án phải xin lùi, rút trong thời gian qua thì cần rà soát, xác định rõ thứ tự ưu tiên để cân đối, bảo đảm phù hợp với nguồn lực, khả năng thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hóa bằng pháp luật và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình hoặc gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định; tham gia tích cực, chủ động hơn với các bộ, ngành trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị Chương trình, soạn thảo đến thẩm định văn bản.

Chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; đến nay đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhận định, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 9 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, số lượng các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật đã từng bước được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; trong đó hạn chế lớn nhất là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, tính đến ngày 12-3-2018 còn nợ 22 văn bản quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua, một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản. Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh; ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cơ quan của Quốc hội ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để quy định cụ thể các vấn đề ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời kiểm soát phạm vi, hạn chế nội dung giao quy định chi tiết. Các cơ quan cần dự kiến, đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Các bộ, ngành cần định kỳ và kịp thời Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục; tiếp tục công khai tình hình soạn thảo, trình văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Thành Long

Phiên chất vấn này thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”: đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần. Người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời, có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận, tuy nhiên thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên. Sau hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc kết luận làm cơ sở để giám sát việc thực hiện.

Chấn chỉnh kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nhận định tình trạng một số dự án luật, pháp lệnh phải thay đổi, đưa ra khỏi Chương trình đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long về giải pháp hướng khắc phục.

Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ, thời gian qua, công tác lập và trình những dự án, đề án để đưa vào Chương trình đã đạt được những bước tiến đáng kể, đặc biệt từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, tình trạng xin lùi, xin rút, điều chỉnh và bổ sung vào Chương trình mặc dù có giảm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình trạng này là khi lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình, nhiều cơ quan chưa trù liệu hết được những khó khăn, chẳng hạn như Luật Quy hoạch kéo theo việc sửa đổi, bổ sung 25 luật khác nhau, chưa kể những luật mà Chính phủ đề nghị bổ sung. Bên cạnh đó, số lượng các dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình trong thời gian qua rất lớn trong khi quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ngày càng chặt chẽ. Đáng chú ý, về mặt chủ quan, một số lãnh đạo của các cơ quan, ban, ngành chưa chú trọng và quan tâm đầy đủ đến công tác này.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp chủ động làm sớm việc rà soát các nguồn, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đầy đủ theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo tính khả thi đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thẩm định. Đặc biệt, các bộ, ngành cần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trả lời Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Luật đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy trình đánh giá tác động chính sách; lập đề nghị đưa dự án luật vào Chương trình. Bộ trưởng cho rằng, các bộ, ngành cần thay đổi, tư duy, cách thức tham mưu trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xem xét việc lập đề nghị đánh giá việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề cập đến tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ trình Quốc hội quá chậm so với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, ảnh hưởng đến việc thẩm tra của các cơ quan. “Có dự án luật từ khi trình cho đến khi họp, chúng tôi chỉ được báo trước có hai ngày và hai ngày đó là thứ Bảy, Chủ nhật, không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Có những dự án trình ra lại rất sơ sài, đánh giá tác động chay, chỉ nửa trang, không có số liệu kèm theo”, bà Nga nêu dẫn chứng đồng thời đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chấn chỉnh tình trạng này. Với tình trạng như vậy, Bộ trưởng có xử lý cá nhân, tổ chức nào, chuyên viên nào và lãnh đạo nào không?.

Khẳng định đại biểu Lê Thị Nga đã đánh giá “rất chính xác, đích đáng” về hồ sơ, thủ tục trình các dự án Luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, có trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành khi trình hồ sơ dự án luật không đúng tiến độ, không bảo đảm quy trình. Thực tế, Quốc hội đã có Nghị quyết liên quan đến xây dựng văn bản pháp luật. Xét về trách nhiệm chính trị, việc chậm cũng là một yếu tố để các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với các Bộ trưởng đó. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản, chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng dự án luật. Chính phủ xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở các trưởng ngành trong các phiên họp của Chính phủ, công bố công khai các dữ liệu về văn bản pháp luật xây dựng chậm và nợ đọng.

Tăng cường nguồn lực kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật

Về tình trạng “nợ”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đại biểu Trần Văn Quý, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên chỉ rõ, các Nghị định của Chính phủ phục vụ cho việc triển khai các luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2018 đang thiếu rất nhiều. Đại biểu Trần Văn Quý đề nghị Bộ trưởng phân tích nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục thời gian tới.

Thừa nhận tình trạng này là có thực, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, nguyên nhân là do số lượng văn bản quy định chi tiết rất lớn, như Luật Du lịch có 34 nội dung, Luật Quản lý ngoại thương có 14 - 15 nội dung phải ban hành quy định chi tiết. Trong khi đó, thời gian ban hành rất ngắn, thông thường chỉ khoảng 6 tháng từ khi luật, pháp lệnh được thông qua. Đặc biệt, nội dung chi tiết giao cho Chính phủ rất nhiều, nhiều nội dung phức tạp... Bộ trưởng Tư pháp nêu lên các giải pháp khắc phục tình trạng này. Cụ thể, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành năm 2015 về quy trình đánh giá chính sách, xác định rõ nội dung cần quy định chi tiết luôn trong luật, từ đó sẽ giảm được số lượng nội dung cần phải ban hành văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, Bộ Tư pháp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác góp ý thẩm định thuộc thẩm quyền. Trong trường hợp, một luật hoặc pháp lệnh có nhiều nội dung phải quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo thông qua Chính phủ mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho kéo dài thời gian có hiệu lực. Thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác của Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan thực hiện tốt công tác này.

Dẫn báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, có đến 124/2752 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành phải kiến nghị xử lý và 703/2752 văn bản có sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, chiếm gần 1/3 số lượng văn bản ban hành, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra tình trạng ban hành những văn bản quy định chi tiết về luật, pháp lệnh, nghị quyết... sai sót, trái pháp luật. Việc chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, Bộ xác định rõ trách nhiệm của mình. Liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản, “tầm với” cao nhất của Bộ Tư pháp là Thông tư của các bộ và Nghị quyết của HĐND, còn các văn bản như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên hay các văn bản pháp lý cao hơn, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, thời gian qua, Bộ đã rà soát theo thẩm quyền, cụ thể, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp phát hiện một số thông tư như Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ có vấn đề bất cập. Năm 2016, Bộ phát hiện Thông tư 256 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân có một số quy định không phù hợp Luật Căn cước công dân về chế độ thu, nộp lệ phí nên đã bàn với Bộ Tài chính và sự điều chỉnh phù hợp.

Bộ trưởng Tư pháp khẳng định Bộ đã thực hiện quyết liệt công tác này trong thời gian qua, khi có vấn đề đều thảo luận dân chủ, công khai và mời các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến bàn. “Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường nguồn lực trong kiểm tra, rà soát các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp”, ông Long nhấn mạnh.

Bảo đảm thống nhất về nội dung các dự án luật

Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Phiên chất vấn sáng 19-3 đã có 28 vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 6 đại biểu tham gia tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 38 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa có đủ thời gian chất vấn gửi câu hỏi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển đến Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời bằng văn bản.

Đánh giá về phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn cụ thể, thẳng thắn, rõ vấn đề, không quá 1 phút về mặt thời gian theo yêu cầu cải tiến đổi mới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nắm khá chắc thực trạng tình hình và những vấn đề, nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Bộ trưởng đã nghiêm túc, thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm về những vấn đề tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có những đề xuất giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ, chất lượng của việc soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác thẩm định đối với đề nghị xây dựng luật pháp lệnh, các dự án luật pháp lệnh trước khi trình Chính phủ, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, đôn đốc, chỉnh lý, trình các dự án luật pháp lệnh nhằm bảo đảm sự thống nhất về nội dung các dự án luật dự thảo, hạn chế tình trạng các dự án dự thảo trình ra Quốc hội nhưng các cơ quan vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến phải lùi thời hạn trình. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức giao ban về công tác xây dựng pháp luật giữa các đơn vị liên quan nhằm rà soát, đôn đốc các dự án để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bảo đảm tiến độ hồ sơ thủ tục chất lượng các dự án dự thảo; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và địa phương.

Các bộ, ngành cần tăng cường vai trò hoạt động của cơ quan pháp chế trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo ban hành văn bản pháp luật; quan tâm lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức sinh động, phong phú, thiết thực hơn nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật; góp phần đưa pháp luật sớm đưa vào cuộc sống, nhất là các văn bản mới ban hành…/.

BTV/TTXVN

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/thoi_su/2018/49918/phien-hop-thu-22-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-khoa-xiv.aspx