Phiến quân buông súng, Nga-Mỹ 'viết' cái kết cho cuộc chiến Syria

Kịch bản mà Nga-Mỹ thỏa thuận đang giúp cho quân đội Syria chiếm 50% lãnh thổ Daraa, trong khi phiến quân chấp nhận một thỏa thuận hòa giải không khác gì đầu hàng.

Quân đội Syria đã chiếm được 50% lãnh thổ Daraa.

Phiến quân buông súng đầu hàng

Cuộc tấn công của quân đội Syria ở chiến trường miền Nam cách đây hơn hai tuần, có thể sẽ sớm kết thúc khi các nhóm phiến quân nổi dậy tại đây đang hướng tới việc nắm lấy thỏa thuận hòa giải với Moscow, theo Arab News.

Ở Jordan, ngay lúc này cũng đã có một số nhóm thể hiện rõ ý định hòa giải thay vì chiến đấu trong vô vọng sau khi thỏa thuận ngừng bắn được đồng ý bởi Amman, Mỹ và Nga sụp đổ tháng trước.

Các hoạt động quân sự của Damascus dường như được thực hiện dựa trên cơ sở sự đồng thuận giữa Nga và Israel, trong đó Tel Aviv cho phép quân đội Syria tiến hành các chiến dịch ở miền Nam, sát biên giới nước này.

Jordan và Mỹ cũng đồng tình với chiến dịch của quân đội Damascus, dựa trên bảo đảm của Nga về việc loại các lực lượng dân quân ủng hộ Iran ra khỏi ba tỉnh phía Nam của Syria.

Washington đã làm dịu đi lập trường của mình trong việc quân đội Syria triển khai tại đây, khi thông báo cho các nhóm nổi loạn rằng nước này sẽ không ra tay giúp đỡ.

Trong khi Israel tỏ ra nhượng bộ bằng tuyên bố cho phép quân đội Syria triển khai quân dọc theo biên giới Cao nguyên Golan nhưng không được tiến sâu vào lãnh thổ nước này.

Một đơn vị chính của Quân đội Syria Tự do (FSA) được cho là đã tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga để từ bỏ vũ khí hạng nặng và để lại quyền kiểm soát các làng mạc, thị trấn cho quân đội Syria cùng cảnh sát quân sự Nga.

Trong ý muốn của mình, Nga còn yêu cầu phiến quân bàn giao biên giới Nasib với Jordan cho chính phủ Syria. Trong khi một số nhóm đã bác bỏ đề nghị này, những nhóm khác đã chấp nhận lời đề nghị.

Tính đến ngày 2/7, quân đội Syria đã nắm quyền kiểm soát hơn 50% Daraa, theo báo cáo của Đài quan sát Nhân quyền Syria. Trong đó Damascus có hơn năm thỏa thuận hòa giải mới đạt được với phiến quân.

Trong khi quân nổi dậy không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận một thỏa thuận hòa giải không khác gì đầu hàng với Nga, thì điều tương tự lại không dễ dàng với các chiến binh thánh chiến thuộc Mặt trận Al-Nusra, đang kiểm soát một phần lãnh thổ Daraa.

Nga đã kêu gọi các chiến binh FSA kết hợp với quân đội Syria để hợp thành một lực lượng đặc biệt chống lại lực lượng Mặt trận Al-Nusra – nhóm khủng bố vốn có liên quan đến tổ chức al-Qaeda khét tiếng.

Bộ phận này sẽ chỉ đạo các nguồn lực của mình để nhổ tận gốc Al-Nusra và một nhóm chiến binh trung thành với IS đang trú ngụ ở lưu vực sông Yarmouk.

Thỏa thuận lớn

Thượng đỉnh Trump-Putin sẽ định hình phần còn lại của cuộc chiến Syria.

Kịch bản ở miền Nam Syria lúc này có thể chỉ là một phần trong thỏa thuận lớn hơn giữa Mỹ và Nga khi Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau tại Helsinki vào ngày 16/7 tới đây.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, cuộc họp sẽ mang đến cơ hội thảo luận kỹ càng hơn về Syria đối với hai nước.

Ông nói rằng mục tiêu buộc Iran phải rút khỏi Syria là một vấn đề chiến lược, trong khi việc Tổng thống Syria Bashar Assad phải từ bỏ chiếc ghế quyền lực lại không còn là điều quan trọng.

Mỹ, cùng với Israel - và ở một mức độ nào đó là cả Jordan - muốn thấy lực lượng Iran rút ra khỏi Syria hoàn toàn.

Hiện tại khi số phận của Tổng thống Assad không còn là vấn đề nằm trên bàn đàm phán, Moscow sẽ đề nghị thảo luận với Mỹ về việc rút quân khỏi tây bắc Syria để đổi lấy thỏa thuận chấm dứt hoặc hạn chế ảnh hưởng của Iran đối với Damascus.

Theo các nhà phân tích, việc Israel và Jordan không phàn nàn về sự hiện diện của Iran ở miền Nam Syria gần đây xuất phát từ việc Moscow đã cam kết sẽ đưa các chiến binh Iran và Hezbollah phải rút lui khỏi khu vực đó.

Ngoài thỏa thuận này, giữa Mỹ và Nga còn cần phải giải quyết một số vấn đề phức tạp có thể làm mất ổn định miền Nam Syria. Trong đó Jordan muốn thấy một kế hoạch giúp hồi hương hàng chục ngàn người tị nạn Syria, phần lớn đến từ miền Nam.

Ngoài ra, việc dọn sạch chiến binh Al-Nusra và Daesh trong khu vực hiện là ưu tiên hàng đầu. Đối với Amman, việc tháo dỡ trại tị nạn Rukban dọc theo biên giới Jordan cũng đòi hỏi một thỏa thuận với Nga và chính quyền Syria.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi sẽ có mặt ở Moscow trong ngày 4/7 để thảo luận về kế hoạch tạo ra một khu an toàn cho những người tị nạn trong lãnh thổ Syria. Và cuối cùng, Jordan muốn nhìn thấy biên giới với Syria mở cửa trở lại để tạo thuận lợi cho thương mại và hồi sinh nền kinh tế.

Giải quyết hầu hết những vấn đề này sẽ giúp thiết lập lại quan hệ giữa Amman và Damascus sau khoảng thời gian gián đoạn kéo dài bảy năm. Đây cũng là tiền đề để các bên bắt đầu kế hoạch tái thiết miền Nam Syria, mở đường cho sự ổn định cuối cùng của đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/phien-quan-buong-sung-nga-my-viet-cai-ket-cho-cuoc-chien-syria-a376568.html