Phiên tòa giả định - Hình thức giáo dục mới, hiệu quả cho học sinh về bạo lực học đường

Một hình thức giáo dục mới vừa được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh nhằm tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trong dịp Hè.

Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Quận Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 8 vừa phối hợp với Chi hội Luật sư của Hội bảo vệ quyền trẻ em TP, Hồ Chí Minh tổ chức Phiên tòa giả định với chuyên đề “Phòng ngừa bạo lực học đường” cho hơn 300 học sinh cấp 3 tại quận 8 tham dự.

Nói về mục đích tổ chức hoạt động này, bà Đỗ Trương Hồng Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 8, cho biết, tình hình bạo lực học đường và xâm hại trẻ em diễn ra rất phức tạp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Phiên tòa giả định để các em trải qua thực tế và thấy được những vấn nạn hiện nay, cũng như hậu quả mà các em phải gánh chịu khi để xảy ra bạo lực học đường và xâm hại trẻ em.

Đồng thời, đây cũng là một hình thức răn đe để các em hiểu biết và không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn.

Toàn cảnh phiên tòa giả định vừa được tổ chức tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cẩm Na)

"Chiến dịch" trong mùa Hè

Quận 8 là địa bàn vùng ven Thành phố, nên việc tiếp cận thông tin và tuyên truyền những hoạt động như thế này đến các em học sinh cũng có phần hạn chế. Vì vậy, Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền theo nhiều cách cho các em học sinh từ tiểu học đến THPT trong các buổi chào cờ đầu tuần và sẽ tiếp tục tổ chức xuyên suốt mùa Hè này.

Là một thành viên tham gia phiên tòa giả định, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Phiên tòa giả định tại quận 8 là hoạt động khởi đầu cho chuỗi tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành gia đình trong dịp Hè này.

Sắp tới, những phiên tòa như vậy sẽ được tổ chức tại các trường học, khu phố, các chung cư và khu lưu trú công nhân ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố".

Thông qua phiên tòa, các em biết được khi phạm tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả việc các em tưởng rằng khi mình giải quyết mâu thuẫn ở ngoài trường học là không vi phạm bạo lực học đường cũng là sai. Vì các em có giải quyết mâu thuẫn ở ngoài trường, nhưng các em vẫn là những học sinh của trường học đó.

Đặc biệt, khi các em đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu thương tích từ 11% trở lên sẽ bị khởi tố hình sự theo Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017. Từ đó, các em hiểu và hạn chế được hành vi bạo lực của mình.

Các thành viên từ bị cáo, bị hại đến các chủ tọa, thư ký, luật sư, người giám hộ... tại phiên tào giả định đều do luật sư của Chi hội Luật sư TP. Hồ Chí Minh đóng vai. (Ảnh: Cẩm Na)

Cảm nhận của học sinh

Chia sẻ ngay sau khi dự phiên tòa giả định, em Đinh Thị Khánh Ly, Lớp 10C11, Trường THPT Tạ Quang Bửu, bộc bạch: “Được tham dự phiên tòa này là một cơ hội may mắn đối với em khi được khám phá, được biết đến những sự việc chỉ có ở trong phiên tòa, điều chúng em chỉ được xem trên ti vi. Lúc nghe chủ tọa điều hành phiên tòa, em còn có phần hồi hộp, cảm xúc rất khó tả vì diễn biến quá chân thật”.

Khánh Ly cho biết, tình tiết trong phiên tòa giống như lời cảnh báo đối với giới trẻ. Vì mâu thuẫn cá nhân dẫn đến bạo lực học đường xảy ra rất nhiều ở các trường học tại TP Hồ Chí Minh.

Tuy chỉ là những xích mích nhỏ, nhưng ai cũng cần đề phòng, cần nhận biết để tránh mâu thuẫn có thể dẫn tới hậu quả khó lường như trong phiên tòa giả định này.

Tham dự phiên tòa, học sinh hiểu biết hơn về luật, tự nhắc nhở mình tuân thủ, đồng thời tuyên truyền tới các bạn, hướng tới cuộc sống văn minh hơn.

Nữ sinh này cũng cho rằng: “Các bạn nếu có mâu thuẫn nào đó thì nên nói chuyện nghiêm túc với nhau, phải biết kiềm chế bản thân để cuộc nói chuyện trở nên nhẹ nhàng, sẽ giảm đi sự nóng nảy, kích động”.

Cũng như Khánh Ly, em Phù Trần Phương Ngân, Lớp 11B4, Trường THPT Tạ Quang Bửu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được dự một phiên tòa giả định mà như dự phiên tòa thật, em rất hồi hộp. Em muốn được tham dự nhiều hơn những phiên tòa thế này để hiểu biết hơn về luật pháp và những điều cần phòng tránh ở lứa tuổi học trò của chúng em”.

Phương Ngân cho biết thêm: “Theo tình tiết đưa ra ở phiên tòa, xã hội ngày càng phát triển, trong đó mạng xã hội cũng phát triển theo, hầu như lứa tuổi học sinh cấp 3 của em không có bạn nào là không biết hoặc có thể làm ngơ với mạng xã hội.

Có những tài khoản bị đánh cắp để lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản nhằm vay mượn tiền. Em và các bạn sẽ bảo vệ tài khoản mạng xã hội, không bình luận ở các bài viết hoặc trang viết không chính thống và cũng nên loại bỏ những trang không hợp với lứa tuổi của mình”.

Phiên tòa giả định thu hút sự tham gia theo dõi của đông đảo học sinh. (Ảnh: Cẩm Na)

Bạo lực học đường đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các bạn trẻ. Nếu bị bắt nạt thường xuyên, các em sẽ có xu hướng tự thu mình lại, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý.

Đối với những người bắt nạt bạn khác, nếu bị kiện lên tòa sẽ ảnh hưởng đến gia đình, đến học tập và phụ huynh sẽ phải lo lắng, bỏ bê công việc.

Bởi vậy, việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ngăn chặn các hành động bạo lực và hậu quả của chúng.

Khi phát hiện những vụ bị bạo hành trong gia đình, hay bạo lực học đường, hãy gọi ngay tới đường dây nóng quốc gia về trẻ em 111 hoặc đường dây nóng của Hội bảo trợ trẻ em TP. Hồ Chí Minh: 18009069.

Cẩm Na

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phien-toa-gia-dinh-hinh-thuc-giao-duc-moi-hieu-qua-cho-hoc-sinh-ve-bao-luc-hoc-duong-188062.html