Phiên tòa giả định phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học ở TP Tam Kỳ

Qua phiên tòa giả định sẽ giúp các em học sinh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ, đồng thời nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần phòng chống tình trạng bạo lực học đường.

Vừa qua, tại trường THCS Lê Hồng Phong (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp TAND tỉnh mở phiên tòa giả định truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.

Phiên tòa giả định phòng chống xâm hại trẻ em tại trường THCS Lê Hồng Phong.

Tình huống giả định là 2 em học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong vì tính thích thể hiện nên đã rủ nhau đánh một người bạn cùng trường sau khi được người bạn này khuyên không nên hút thuốc vì có hại cho sức khỏe và việc này nhà trường đã nghiêm cấm.

Sau giờ tan học, lợi dụng đoạn đường vắng, 2 học sinh trên đã dùng dao bấm (mua trên mạng) tấn công người bạn học của mình, đánh, chém liên tiếp nhiều nhát trúng vào đầu, cổ, vai, tay, ngực, gây thương tích 24%.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, hành vi dùng dao bấm là hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể (vùng đầu, cổ, ngực) của bị hại hoàn toàn có khả năng dẫn đến chết người.

Do đó, hành vi của 2 em học sinh trên cấu thành tội “Giết người” với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”, tuy nhiên hậu quả chết người chưa xảy ra nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự. Hai bị can thực hiện hành vi phạm tội ở thời điểm chưa thành niên nên được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa, 2 bị can là 2 em học sinh gây thương tích cho người khác đã bị truy tố xét xử về tội giết người theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, chịu án phạt 2 năm và 4 năm tù giam.

Qua phiên tòa giả định này, bà Lê Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam chia sẻ, thời gian gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em và bạo lực học đường là mối quan tâm, lo ngại của gia đình, nhà trường và xã hội. Các em trong độ tuổi dậy thì có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, dễ bị kích động, thiếu sự kiểm soát và làm chủ bản thân; do vậy cần có sự giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em để hạn chế tình trạng bạo lực học đường như hiện nay.

“Qua phiên tòa giả định truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học, học sinh sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ, đồng thời nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần phòng chống tình trạng bạo lực học đường”, bà Nguyệt nói thêm.

Sơn Tùng

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/phien-toa-gia-dinh-phong-chong-xam-hai-tre-em-trong-truong-hoc-o-tp-tam-ky-5007047.html