Phiên xử chiều 23/11 vụ Vinasun kiện Grab: Công ty giám định Cửu Long cân nhắc kiện Grab

Phiên xử chiều 23/11 tại TAND TP.HCM liên quan đến vụ Vinasun khởi kiện, đòi Grab bồi thường hơn 40 tỷ đồng vẫn không có thêm tình tiết, chứng cứ gì mới được đưa ra từ hai bên. Xét thấy vẫn chưa đủ cơ sở để ra phán quyết nên tòa tạm dừng, ngày 30/11 sẽ tiếp tục xét xử.

Từ trưa, hàng trăm nhân viên, phần đông là tài xế của Vinasun đã đến để chờ dự phiên tòa.

Trong phiên xử này, HĐXX giành phần lớn thời gian để cho hai bên tranh luận xung quanh việc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khởi kiện và đòi Công ty TNHH Grab (Grab) bồi thường thiệt hại số tiền 41,2 tỷ đồng.

Mở đầu, phía Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm là yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại. Vinasun hoàn toàn đồng ý với kết quả giám định và văn bản giải thích của Công ty CP Thẩm định - Giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long).

Công ty Cửu Long đã dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán là Bản Việt, Rồng Việt và MP để làm căn cứ tính thiệt hại của Vinasun thông qua việc giá trị cổ phiếu giảm.

Cụ thể, ngày 31/12//2015, giá cổ phiếu của Vinasun là 30.400 đồng; đến 30/6/2017 còn 21.900 đồng, giảm 28%. Theo báo cáo phân tích của Công ty Bản Việt, lợi nhuận của Vinasun trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015 là do việc công ty này phải tăng chiết khấu và ưu đãi cho tài xế nhằm giữ chân tài xế, không để tài xế chuyển qua làm việc cho Grab, Uber.

Còn báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt và MP đều gần như giống nhau khi cho rằng lợi nhuận của Vinasun đang sụt giảm mạnh do sự đổ bộ của Uber, Grab.

Đại diện Vinasun và luật sư tại phiên tòa chiều 23/11.

Luật sư phía Vinasun cho rằng, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như đề án 24 của Chính phủ. Sự xâm nhập trái pháp luật của Grab vào thị trường taxi, với các chương trình khuyến mãi, cuốc xe 0 đồng đã khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab, gây thiệt hại cho Vinasun.

“Không có tình tiết nào mới làm thay đổi yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Do đó yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ việc khởi kiện của chúng tôi”, luật sư của Vinasun nêu quan điểm.

Ngược lại, phía Grab đã bác bỏ hoàn toàn lập luận trên của Vinasun khi cho rằng, việc xâm nhập thị trường Việt Nam là được sự cho phép của Chính phủ. Và cho biết, Chính phủ hiện đang xem xét để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Grab là theo mô hình nào.

“Grab chưa bao giờ hoạt động taxi. Nguyên đơn đã lợi dụng phiên tòa để can thiệp hoạt động hành pháp của Chính phủ”, luật sư phía Grab nhấn mạnh.

Việc Vinasun dựa vào bản giám định của Công ty Cửu Long để làm cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) là không đủ căn cứ. Bởi, công ty này chỉ dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán, nhưng các thông tin, số liệu trong bản báo cáo này là không chính xác. Mục đích báo cáo viết ra để phục vụ các đối tượng là đối tác, khách hàng chứng khoán. Mặt khác, trong báo cáo này nêu rõ, các công ty này không chịu trách nhiệm về độ chính xác và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Đồng thời, họ cũng cảnh báo có thể có những lợi ích trong đó. Ngoài ra, bản giám định của Công ty Cửu Long là hời hợt, không trả lời vào trọng tâm câu hỏi của tòa.

Luật sư phía Grab nghi ngại: Họ là một công ty giám định, thẩm định mà lại không tự làm việc độc lập, chỉ dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán thì liệu họ có đủ năng lực hay không? Tại sao họ không có mặt tại đây để đối chất với chúng tôi.

Trong khi luật sư phía Grab đang gay gắt về việc "lẩn tránh" của Công ty Cửu Long thì chủ tọa phiên tòa xin ngắt lời và công bố một văn bản của Công ty Cửu Long gửi đến TAND TP.HCM. Theo đó, nội dung của văn bản đề cập đến việc công ty này đang cân nhắc khởi kiện Grab vì tội bôi nhọ, vu khống mình trong những phiên xử vừa qua.

“Thiệt hại phải là thực tế xảy ra chứ không thể mơ hồ được. Việc xác định thiệt hại trong vụ án này là không có cơ sở, không hề có mối quan hệ nhân quả nào ở đây”, đại diện pháp luật của Grab nói trước tòa.

Luật sư và đại diện của Grab tại tòa.

Như vậy có thể thấy, phiên tòa vẫn không có tình tiết gì mới so với phiên tòa sáng 22/11. Tuy nhiên, phiên tòa chiều 23/11 lại có một chi tiết khá thú vị, khiến nhiều người, phần đông là phía Vinasun thay đổi cảm xúc đột ngột.

Một đại diện của Grab cho rằng, chi tiết không có đầu xe nào nằm bãi vào một ngày của tháng 6/2016 mà phía Vinasun giải thích do “ngày hôm đó đã thanh lý và bàn giao cho chi nhánh tỉnh” là đúng, không có gì sai.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vậy là anh có suy nghĩ đi ngược lại với luật sư của mình?”, anh này trả lời: “Đúng”. Câu trả lời đó đã khiến cho nhiều người phía Vinasun cười vang cả khán phòng. Bởi trong phần tranh luận, luật sư của Grab cho rằng đây là thông tin sai, phi lý.

Tuy nhiên, khác với câu trả lời có phần “ngây thơ” của mình, phân tích cho nhận định trên của người này đã khiến những tiếng cười tắt hẳn. “Ngày hôm đó số đầu xe nằm bãi là 0 vì Vinasun đã thanh lý và chuyển xe về chi nhánh. Như thế, số xe trên của Vinasun nằm bãi là để chờ thanh lý, chờ di chuyển về chi nhánh chứ không có liên quan gì đến Grab”.

Kết thúc phần tranh luận của HĐXX đề nghị hai bên xem lại quy định về giám định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp. Xét thấy vẫn chưa đủ cơ sở để ra phán quyết nên tòa tạm dừng, nên ngày 30/11 sẽ tiếp tục xét xử.

Thanh Minh – Minh Tuệ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/phien-xu-chieu-2311-vu-vinasun-kien-grab-cong-ty-giam-dinh-cuu-long-can-nhac-kien-grab-d72567.html