Philippines giảm thiểu rủi ro thảm họa bằng chuyển đổi kỹ thuật số

Philippines - quốc gia thường xuyên xảy ra thảm họa thiên nhiên - đang sử dụng các công cụ thông tin để giảm thiểu tác động của chúng. Quốc gia Đông Nam Á này đang hướng đến là một trong những nước hàng đầu về giảm thiểu rủi ro thảm họa bằng chuyển đổi kỹ thuật số.

Lĩnh vực quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai được nhiều chuyên gia và các nhà công nghệ Philippines quan tâm

Lĩnh vực quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai được nhiều chuyên gia và các nhà công nghệ Philippines quan tâm

Sáng kiến nơi “vành đai lửa”

Nằm trong vành đai bão Thái Bình Dương, Philippines trải qua nhiều dạng thiên tai. Bên cạnh bão, động đất, lũ lụt, núi lửa phun trào và lở đất cũng phổ biến, gây ra thiệt hại hàng triệu USD. Trong đó, Haiyan là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận ở Philippines xảy ra cách đây 9 năm. Nước cao 6m do bão đã cuốn tàu thuyền vào đất liền, làm sập các tòa nhà và cuốn các mảnh vỡ ra biển. Bão Haiyan cũng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và tàn phá nhiều vùng của đất nước. Cơn bão thảm khốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Kể từ đó tới nay, Philippines đã tăng cường khả năng phục hồi của mình bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu tập trung để dự đoán các hiểm họa tự nhiên.

“Năm nào đất nước cũng trải qua những thảm họa kinh hoàng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, thảm họa gây ra thiệt hại về sinh mạng và sinh kế như thế nào, cũng như thiên tai cướp đi lợi ích về kinh tế, tăng trưởng và phát triển đến mức nào”, ông Renato U. Solidum Jr., Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines cho biết. Sau bão Haiyan năm 2013, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Philippines và Chính phủ Australia đã đưa ra sáng kiến giảm nhẹ thiên tai mang tên SHIELD - Chương trình Tăng cường Thể chế và Trao quyền cho các địa phương chống lại thiên tai và biến đổi khí hậu. Mục đích của SHIELD là tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương trong việc xây dựng khả năng phục hồi chống lại các hiểm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Một trong những dự án mà SHIELD hỗ trợ là GeoRiskPH, một sáng kiến do Bộ Khoa học và Công nghệ đứng đầu, đóng vai trò như một cơ sở dữ liệu tập trung để giúp chính phủ và người dân dự đoán và chuẩn bị cho các thảm họa thiên nhiên. Ông Rodolfo Calzado Jr, Điều phối viên Quốc gia tại UNDP, cho biết: “Kho thông tin rất quan trọng trong việc đảm bảo về sự chia sẻ dữ liệu linh hoạt giữa các cơ quan để tối ưu hóa việc lập kế hoạch thiên tai”. Cơ sở dữ liệu này hỗ trợ một số chức năng. Một chức năng cho phép người dùng tìm hiểu liệu một vị trí có dễ xảy ra các hiểm họa tự nhiên hay không, cho phép họ phóng to để quan sát các con đường, cây cầu, nhà cửa và các cơ sở hạ tầng khác có thể dễ bị tổn thương. Nó cũng tạo ra các báo cáo đánh giá nguy cơ chỉ trong 15 giây, nhanh hơn nhiều so với việc thực hiện thủ công trước đây với thời gian trung bình từ 1 đến 3 ngày. Một chức năng khác của cơ sở dữ liệu là tạo ra các bản đồ, biểu đồ và đồ thị để giúp các mọi người hiểu được quy mô của các thảm họa sắp xảy ra và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, cho thấy chính xác những khu vực đất đai, nhóm dân cư và cơ sở y tế nào có khả năng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Chính phủ Phillipines cũng đang triển khai ứng dụng Chỉ báo cục bộ và Cơ sở dữ liệu về mức độ dễ bị tổn thương (DevLIVE +) để theo dõi các hiểm họa tự nhiên và việc cung cấp các dịch vụ xã hội. Dữ liệu có thể báo rằng nhiều người trong một khu vực nhất định đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính, vì thế nhắc nhở chính quyền nên ưu tiên chuyển hướng các loại nguồn lực đó đến khu vực này. Chính quyền thành phố Piagapo ở khu vực phía Nam Mindanao đã sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu DevLIVE + để tìm đúng những người cần hỗ trợ xã hội và phân phối hàng cứu trợ.

Philippines hứng chịu nhiều dạng thiên tai do nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương

Cập nhật công nghệ mới nhất

Gần đây nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines đã tổ chức “Handa Pilipinas: Triển lãm về những đổi mới trong quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai 2022”, giới thiệu các kỹ thuật số và ứng dụng mới của Philippines trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, tại triển lãm, Cơ quan Khí tượng và thiên văn kết hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ đã ra mắt Hệ thống Cảnh báo Sét mới được đặt tại Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino, hệ thống này sẽ theo dõi và gửi cảnh báo về khả năng sét đánh từ một điểm tham chiếu trong sân bay. Để đảm bảo sự an toàn của nhân viên sân bay và hành khách, hệ thống đưa ra các cảnh báo màu vàng hoặc đỏ. Tương tự, Ứng dụng Thông tin VolcanoPh cung cấp thông tin cảnh báo sớm về các điều kiện núi lửa hiện tại và nghiêm trọng hơn, xác định các bước chuẩn bị và ứng phó an toàn thích hợp.

Về Đổi mới An ninh Lương thực, Dự án SARAI, được hiểu là phương pháp tiếp cận thông minh để phục hồi nông nghiệp như một ngành công nghiệp ở Philippines là một chương trình đưa ra các khuyến nghị về cây trồng cụ thể cho từng vùng. Nó kết hợp dữ liệu khí tượng địa phương và dự báo hạn hán với quản lý nông nghiệp. “Những đổi mới này cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của khoa học, công nghệ và đổi mới, mang lại nhận thức rằng, Philippines không bất lực trước những hiểm họa và rủi ro”, Bộ trưởng Renato nhận định và nhấn mạnh điều quan trọng là phải tổ chức các cuộc đối thoại để nâng cao nhận thức của người dân Philippines. “Hãy để chúng ta ghi nhận và tôn vinh những nhà đổi mới vì đã cung cấp các công nghệ này. Do đó, chúng tôi kêu gọi mọi người sử dụng, đón nhận và thúc đẩy thương mại hóa các công nghệ thảm họa được phát triển tại địa phương”, Bộ trưởng Renato khẳng định.

(Theo GovInsider/OpenGovAsia)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/philippines-giam-thieu-rui-ro-tham-hoa-bang-chuyen-doi-ky-thuat-so-post522814.antd