Philippines không còn theo đuổi kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo G2G

Chính phủ Philippines vấp phải phản ứng từ Hội Nông dân nước này...

Ảnh minh họa/Quang Trí

Sáng 27/6, Chính phủ Philippines cho biết sẽ không còn theo đuổi kế hoạch nhập khẩu gạo 300.000 tấn tấn gạo 25% tấm theo phương thức Chính phủ (G2G) đã mở ngày 8/6, trừ khi các cơn bão mạnh tấn công gây thiệt hại các kho dự trữ.

Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ Hội nông dân, Chính phủ Philippines đã lùi một bước khỏi kế hoạch nhập khẩu gạo, từ bỏ hoàn toàn việc mua số lượng 300.000 tấn gạo từ nước ngoài nhằm bổ sung lượng gạo trong những tháng giáp hạt của tháng 7 và tháng 8.

Trong một tuyên bố, Tổng công ty Thương mại Quốc tế Philippines (PITC) - cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI), đã tuyên bố vào thứ Sáu rằng họ không còn tiến hành nhập khẩu 300.000 tấn gạo G2G.

Mặc dù không nêu rõ lý do chính xác tại sao, nhưng PITC đã trích dẫn một số các diễn biến đã diễn ra vào cuối tháng 4 làm cơ sở cho quyết định của họ.

“Với việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Việt Nam, chúng ta có thể mong đợi mức dự trữ thoải mái hơn. Ngoài ra, các dự báo gần đây cũng cho thấy rằng Philippines sẽ có đủ nguồn cung lương thực trong giai đoạn giáp hạt”, Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez cho biết trong tuyên bố của PITC.

Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar, kể từ khi khu vực tư nhân nhập khẩu gạo theo Luật Thuế quan gạo, điều này có nghĩa là sẽ có thêm các khoản thu thuế để tài trợ cho Quỹ Nâng cao năng lực cạnh tranh gạo 10 tỷ peso.

Vào tháng 5, Việt Nam đảm bảo cung cấp gạo lâu dài cho Philippines trong bối cảnh những thách thức do đại dịch gây ra, đảm bảo nguồn cung gạo ổn định trong nước. Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 3/2020 để đảm bảo nguồn cung lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng kết quả trúng thầu của Myanmar với gói thầu cung cấp 45.000 tấn gạo loại 25% tấm với mức giá 405 USD/tấn (FOB), cao hơn 41% hoặc 118 USD/tấn so với giá nhập khẩu khai báo từ Myanmar từ tháng 1 đến tháng 4/2020 cho cùng loại gạo là không hợp lý. Gói thầu 60.000 tấn gạo 25% tấm của Việt Nam có giá 455 USD/tấn, trong khi giá FOB trung bình ở các hợp đồng thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Philippines chỉ là 302 USD/tấn.

Ông Dar cũng lưu ý rằng, Việt Nam cung cấp hơn 90% mặt hàng gạo nhập khẩu của Philippines, khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Các báo cáo trước đó cho thấy Philippines đã nhập khẩu khoảng 1,086 triệu tấn gạo từ tháng 1 đến tháng 5, với hơn 968.000 tấn đến từ Việt Nam.

Thông qua DTI, PITC đã lên kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo G2G, với các nước tham gia gồm Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ. Theo đó, các quốc gia trúng thầu dự kiến sẽ giao hàng vào tháng 7 và tháng 8/2020, để đảm bảo dự trữ quốc gia.

Luật Thuế quan gạo cho phép nhập khẩu G2G như một biện pháp khẩn cấp để đảm bảo cung cấp đủ gạo trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.

Trước đó vào cuối tháng 4, khi Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thực hiện các cam kết xuất khẩu gạo sang Philippines, thông qua các thỏa thuận tư nhân vài tuần sau khi Chính phủ tuyên bố sẽ tạm thời ngừng xuất khẩu gạo do đại dịch Covid-19.

Bất chấp cam kết của Việt Nam, PITC đã tiến hành nhập khẩu G2G nói trên và chính thức mở thầu vào ngày 8/6/2020. Tuy nhiên, PITC đã phải từ bỏ việc trao hợp đồng vì Bộ Ngân sách và Quản lý (DBM) sẽ không phát hành 7,45 tỷ peso cần thiết để tài trợ cho việc nhập khẩu gạo.

Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) sau đó nói rằng PITC nên từ bỏ việc nhập khẩu nói trên trong bối cảnh các vấn đề tài chính và pháp lý mà PITC đang phải đối mặt.

Theo một thương nhân ở TP.HCM, việc Philippines mở thầu G2G nhập khẩu 300 ngàn tấn gạo cấp thấp nhưng đòi tiêu chuẩn gạo Đông Xuân thì Việt Nam “khó ôm” hết, và Việt Nam càng không thể tham gia đợt mở thầu mới vì không còn gạo 25% tấm Đông Xuân.

“Hiện nay giá gạo châu Á tạm thời rớt, còn gạo Việt Nam do vụ Hè Thu thu hoạch trong điều kiện mưa nhiều chất lượng kém, tỷ lệ thu hồi thấp rất ít người mua nên rớt giá. Tình trạng thu hoạch torng mừa mua làm chất lượng gạo Hè thu kém khó bán đã ảnh hưởng đến nông dân, 2 năm rồi gạo xấu đều rớt giá, trừ khi có thiên tai Chính phủ các nước mới mua vào”, thương nhân này cho biềt.

Box:

Theo Reuters, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm trong tuần này do giảm mua và lo ngại về chất lượng kém khi vụ thu hoạch lúa Hè Thu trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, trong khi giá Ấn Độ tăng từ mức thấp hơn hai tháng vào tuần trước do nhu cầu tăng từ châu Phi.

Cụ thể, ngày 25/6 giá gạo tấm 5% của Việt Nam đã giảm xuống mức 405 - 450 USD/tấn so với mức giá 450 USD/tấn một tuần trước đó. Gạo vụ Đông Xuân được chào bán ở mức 450 USD/ tấn, trong khi vụ thu hoạch Hè Thu đang diễn ra được chào bán ở mức 405 - 410 USD/tấn.

Giá gạo Việt Nam sụt giảm do nhu cầu yếu từ người mua nước ngoài và gạo Ấn Độ rẻ hơn, dự báo giá gạo của Việt Nam có thể giảm hơn nữa trong những tuần tới.

“Gạo 5% tấm của Ấn Độ được báo giá 373 - 378 USD/tấn trong tuần này, tăng từ 36 - 37 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo Ấn Độ tăng do của coronavirus bùng phát ở nhiều nước châu Phi, đã khiến một số người mua ở châu Phi tăng mua”, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết.

Giá gạo 5% tấm chuẩn của Thái Lan được niêm yết ở mức 514 - 520 tấn vào thứ năm, so với mức 505 - 525 USD/tấn của tuần trước.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/philippines-khong-con-theo-duoi-ke-hoach-nhap-khau-300000-tan-gao-g2g-3547198.html