Philippines nâng cấp tàu tuần tra, phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc

Philippines sẽ nâng cấp đội tàu tuần tra trong vùng biển nước này, sau khi mới đây gửi hai công hàm phản đối việc Trung Quốc chĩa hệ thống vũ khí vào tàu của Philippines.

Hải quân Trung Quốc ngang ngược tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: STR.

Hải quân Trung Quốc ngang ngược tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: STR.

Bộ Ngoại giao Philippines mới đây gửi công hàm phản đối việc một chiến hạm Trung Quốc hướng hệ thống kiểm soát súng (GCD) vào tàu hộ tống Philippines BRP Conrado Yap ở ngoài khơi tỉnh đảo Palawan của Philippines hôm 17/2, nhà báo Laude Jaime của Philippines cho biết ngày 23/4 khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

GCD có thể được sử dụng để lựa chọn, theo dõi các mục tiêu và khiến tất cả các loại súng chính trên tàu sẵn sàng khai hỏa trong vòng không đầy một giây.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã chỉ đạo lãnh đạo lực lượng hải quân nước này báo cáo chi tiết về vụ việc, sau đó Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối việc tàu hộ tống Trung Quốc hướng GCD vào tàu BRP Conrado Yap. Đại sứ quán Trung Quốc đã nhận được công hàm phản đối ngày 22/4.

Trước vụ việc ngày 17/2, tàu hộ tống BRP Conrado Yap còn chạm mặt tàu hộ tống màu xám số hiệu 514 của Trung Quốc. Tàu Philippines phát cảnh báo qua radio nhưng tàu chiến Trung Quốc vẫn không đổi hướng đi, không giảm tốc độ, lại còn ngang ngược đáp trả qua radio: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với biển Đông, các hòn đảo và vùng biển quanh đó”.

Philippines, Việt Nam và các nước khác trên thế giới không bao giờ công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague đã bác bỏ yêu sách này. Theo phán quyết của tòa, Trung Quốc không có quyền lịch sử” đối với biển Đông; “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ không phù hợp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines…

Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên thành lập 2 quận thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để cụ thể hóa quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, rồi đặt tên cho 80 bãi cạn, núi ngầm ở hai quần đảo này hòng rêu rao rằng họ có hoạt động quản lý trên thực địa, có quyền đối với nguồn tài nguyên dưới biển.

Trước đó, Trung Quốc có nhiều hành động vi phạm vùng biển của Philippines, của Việt Nam, như điều tàu khảo sát, tàu chiến tới vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc cũng quân sự hóa ở biển Đông như biến 7 bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, lắp đặt hệ thống vũ khí, xây đường băng dài cho máy bay dân dụng cũng như quân sự các kích cỡ hạ cánh… Cách hành xử gây hấn như vậy gây căng thẳng, mất ổn định trong khu vực, Bộ trưởng Lorenzana nói.

Các lực lượng chức năng của Philippines, bao gồm hải quân, cảnh sát biển sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình, không sợ phía Trung Quốc bắt nạt, ủng hộ việc cải tiến, nâng cấp đội tàu tuần tra trong vùng biển Philippines,

Theo giới quan sát Mỹ, Washington sẽ tiếp tục bắt tay chính trị với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Philippines. Cụ thể, Mỹ muốn gia tăng điều phối các nguồn lực, chiến lược quân sự trong khu vực để kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất. Nếu điều kiện cho phép, Mỹ có thể tăng cường luân chuyển quân tới Philippines, cung cấp cho Philippines tên lửa chống hạm tầm xa, tên lửa đất đối không, bồi dưỡng kỹ năng cho quân nhân Philippines…

Tàu hộ tống BRP Conrado Yap của Philippines. Nguồn: Manila Bulletin.

Mỹ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc

Ngày 22/4 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ra một tuyên bố với tiêu đề “Mỹ và ASEAN hợp tác nhằm đẩy lùi COVID-19, xây dựng khả năng hồi phục bền vững và hỗ trợ phục hồi kinh tế”.

“Ngay cả khi đang ứng phó với đại dịch, chúng ta vẫn cần nhớ rằng những mối đe dọa lâu dài đối với an ninh chung của chúng ta chưa hề biến mất. Thực tế, những mối đe dọa đó đã trở nên rõ ràng hơn. Bắc Kinh đã có bước đi tận dụng yếu tố gây mất tập trung, từ việc Trung Quốc đơn phương thông báo về các đơn vị hành chính tại các đảo và khu vực hàng hải có tranh chấp, việc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào đầu tháng này, và các 'trạm nghiên cứu' trên đá Chữ Thập và đá Subi.

Trung Quốc tiếp tục điều động lực lượng dân quân biển tới khu vực quần đảo Trường Sa, và mới đây nhất đã điều một đội tàu gồm tàu khảo sát năng lượng với mục đích duy nhất là đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác trong việc tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi”, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.

Theo ông Pompeo, Trung Quốc đã lợi dụng việc thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng việc tiếp tục những hành vi khiêu khích; nước này đang sử dụng áp lực quân sự và ép buộc các nước láng giềng tại biển Đông, thậm chí đâm chìm một tàu cá Việt Nam.

“Mỹ mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm”, Ngoại trưởng Pompeo cho biết.

Mỹ cam kết tiếp tục xây dựng tương lai dựa trên những nguyên tắc chung đã được chứng minh là hiệu quả và đáng tin cậy, đó là vai trò trung tâm của ASEAN, sự rộng mở, minh bạch, khuôn khổ dựa trên luật lệ, quản trị tốt và tôn trọng chủ quyền, ông tuyên bố.

Máy bay quân sự Thiểm Tây Y-8 xuất hiện trái phép trên đá Subi ngày 28/4/2018. Nguồn: CSIS/AMTI.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/philippines-nang-cap-tau-tuan-tra-phan-doi-hanh-dong-gay-han-cua-trung-quoc-1647727.tpo