Philippines né vụ tranh chấp Biển Đông khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Manila lần đầu tiên kể từ khi ông Rodrigo Duterte trúng cử Tổng thống hồi năm 2016, Philippines sẽ tránh đem chuyện tranh chấp chủ quyền Biển Đông ra bàn.

Ông Duterte và ông Tập Cận Bình - Ảnh: SCMP

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 1.11 dẫn lời các nhà phân tích nói đó là cách chính phủ Philippines muốn thu hút thêm nguồn đầu tư của Bắc Kinh, tranh thủ cuộc chiến thương mại và đấu đá chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ - một đồng minh phòng thủ truyền thống của Manila.

Ông Tập sẽ đến Manila sau khi ông dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) sẽ bế mạc ngày 18.11 tới ở Papua New Guinea. Theo Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, dự kiến Philippines sẽ ký ít nhất 5 thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc, có cả các thỏa thuận vay thêm tiền của Bắc Kinh, để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các nhà phân tích cũng nói có thể hai nước sẽ đạt tiến bộ về các cơ chế tư vấn song phương và Philippines có thể cùng Trung Quốc thực hiện những dự án cùng khai thác nguồn năng lượng dồi dào ở Biển Đông.

Giáo sư Aries Arugay thuộc Khoa Chính trị, Đại học Philippines Diliman nói chuyến đi của ông Tập sẽ giúp tăng quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc, sẽ có thêm những thỏa thuận kinh tế và hợp tác, chính phủ Philippines dưới quyền Tổng thống Duterte sẽ tranh thủ cơ hội và Trung Quốc có thể giúp kéo giảm tình trạng lạm phát của Philippines.

Ông Arugay còn nói dù hai nước có quan hệ thân cận hơn trước, việc Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết năm 2016 tuyên xử Philippines thắng kiện và bác việc Trung Quốc khẳng định có chủ quyền toàn bộ Biển Đông cũng sẽ không bị lãng quên: “Phán quyết này sẽ chỉ tạm gác qua một bên”.

Dưới thời tiền nhiệm của ông Duterte là Tổng thống Benigno Aquino III, Trung Quốc và Philippines tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough, dẫn đến vụ kiện ở PCA.

Theo SCMP, trong năm 2018, ông Duterte có những hành xử khác nhau, giữa việc ca ngợi Bắc Kinh và nhấn mạnh nhu cầu hợp tác với Trung Quốc, với việc ông tuyên bố sẵn sàng chiến tranh để tranh nguồn tài nguyên tự nhiên ở Biển Đông.

Và trong khi ông Duterte ngày càng tỏ thái độ nghiêng hẳn về Trung Quốc, nói công khai rằng ông “yêu” ông Tập, và nói bóng gió Philippines có thể trở thành một tỉnh của Trung Quốc, nhưng chính phủ của ông nói Philippines theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập”, không dựa hẳn vào bất kỳ thế lực nào.

Khi thăm Bắc Kinh hồi tháng 10.2016, ông Duterte từng được Trung Quốc hứa đầu tư và cho vay trị giá 24 tỉ USD. Nhưng các nhà phê bình nói đa phần nguồn tiền này chưa hề được thấy, vì các dự án do Trung Quốc tài trợ đã bị hủy hoặc bị chậm tiến độ.

Nhà phân tích Anwita Basu ở tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (Singapore) nói chuyến thăm của ông Tập sẽ là “cột mốc chủ đạo” trong chính sách đối ngoại nghiêng về Bắc Kinh của ông Duterte. Cuộc nói chuyện giữa hai ông Duterte-Tập sẽ tránh đề cập vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà chú trọng hơn vào hợp tác kinh tế, có vài dự án chưa thành hiện thực.

Dưới thời ông Duterte, quan hệ kinh tế song phương đã phát triển, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, quan hệ thương mại đạt tổng cộng 13,9 tỉ USD trong nửa đầu năm 2018.

Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào Philippines, năm ngoái tăng 67% đạt 53,8 tỉ USD, gồm cả tiền đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như dự án kênh tưới tiêu sông Chico, đập Kaliwa và tuyến đường sắt phía nam thủ đô Manila.

Nhưng ngay cả sau khi vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Philippines tăng gần gấp đôi trong 3 tháng đầu năm 2018, nguồn này mới chiếm 3% trong tổng mức FDI vào Philippines, theo Cục Thống kê nước này. Cục còn cho biết các nhà đầu tư hàng đầu trong quý 2/2018 là Nhật Bản, Mỹ và Indonesia.

Theo SCMP, điệu vũ địa chính trị mà Philippines đang nhảy cùng Trung Quốc sẽ được kiểm nghiệm, từ chuyến thăm của ông Tập. Dù Mỹ-Philippines từ lâu là đối tác chiến lược, quan hệ này bị “nhảy giật cục” dưới thời ông Duterte, người nổi tiếng chống phương Tây. Ông cũng đổ thừa nạn lạm phát tăng vọt của Philippines (6,4% hồi tháng 8) cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Nhưng vài ngày gần đây, ông Duterte đã giảm bài xích Mỹ. Manila tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, bằng cách tăng số lần tập trận chung trong năm 2019 lên 281 lần, tức tăng hơn 20 cuộc so với năm 2018.

Gần đây, Mỹ-Philippines cũng tuyên bố đạt thỏa thuận về một khung đầu tư-thương mại, và như một cử chỉ thiện chí, Mỹ đồng ý trao trả 3 chiếc chuông Balangiga cho Philippines. Trong hàng chục năm chiếm đóng Philippines, Mỹ từng chiếm 3 chiếc chuông này như là chiến lợi phẩm.

Tại Philipines, quan điểm về Mỹ vẫn là tích cực. Thăm dò gần đây của Trung tâm PEW cho biết 77% số người dân nước này xem Mỹ là lãnh đạo toàn cầu, trong khi chỉ 12% nói Trung Quốc xứng đáng giữ vai trò này.

Ông Alvin Camba, một nhà nghiên cứu về nguồn FDI của Bắc Kinh vào Philippines, nói chính quan điểm về Mỹ như thế đã phá các dự án do Trung Quốc tài trợ. Ông nói: “Có nhiều nghi ngờ về các dự án của Trung Quốc. Người dân nghi đó là bẫy nợ, vì chúng toàn sử dụng nhân công Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc sẽ áp đặt ý chí lên Philippines. Với Trung Quốc, vì chuyện tranh chấp lãnh thổ, mỗi khi bạn nhận vốn liếng kinh tế thì luôn có nhận định rằng bạn đang bán nước”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/philippines-ne-vu-tranh-chap-bien-dong-khi-tiep-chu-tich-trung-quoc-100018.html