Philippines rung chuyển vì bom, hơn 100 người thương vong

Hai vụ nổ tại Nhà thờ Công giáo Jolo ở thành phố Jolo, tỉnh Sulu, thuộc vùng Mindanao, miền nam Philippines trong Thánh lễ Chủ nhật khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và 77 người khác bị thương.

Hai vụ nổ tại Nhà thờ Công giáo Jolo ở thành phố Jolo, tỉnh Sulu, thuộc vùng Mindanao, miền nam Philippines trong Thánh lễ Chủ nhật khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và 77 người khác bị thương.

Các nhân chứng cho biết, vụ nổ đầu tiên xảy ra bên trong nhà thờ khiến những người đến đây, một số người đã bị thương, phải giẫm đạp lên nhau để chạy ra khỏi cửa chính. Quả bom thứ hai phát nổ khoảng 1 phút sau gần cổng chính khi quân đội và cảnh sát đang nhanh chóng kéo đến, khiến nhiều người chết và bị thương. Quân đội đang kiểm tra báo cáo cho rằng, thiết bị nổ thứ hai có thể đã được gắn vào một chiếc xe máy đang đậu gần đó.

Tấn công khủng bố

Vụ nổ ban đầu khiến các hàng ghế gỗ bên trong sảnh chính nhà thờ vỡ vụn và làm nổ các tấm kính cửa sổ, trong khi quả bom thứ hai ném tung xác người và mảnh vỡ qua quảng trường thị trấn phía trước nhà thờ. Tín hiệu điện thoại đã bị cắt trong những giờ đầu tiên sau vụ tấn công.

Cảnh sát cho biết, ít nhất 27 người chết và 77 người bị thương. Những người thiệt mạng bao gồm 20 dân thường và 7 người thuộc quân đội. Trong số những người bị thương có 14 binh sĩ, 2 cảnh sát và 61 dân thường. Binh sĩ đã bọc kín con đường chính dẫn đến nhà thờ trong khi xe cứu thương đưa người chết và bị thương đến bệnh viện thị trấn. Một số nạn nhân đã được sơ tán bằng đường hàng không đến thành phố Zamboanga gần đó. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết: "Tôi đã chỉ đạo quân đội tăng cường mức độ cảnh báo, đảm bảo an ninh tại tất cả các nơi thờ tự và nơi công cộng, cũng như tiến hành các biện pháp an ninh chủ động để ngăn chặn các kế hoạch thù địch". Ông kêu gọi mọi người "giữ bình tĩnh và tránh gây hoang mang trong cộng đồng, bởi điều đó sẽ giúp bọn khủng bố chiến thắng".

"Chúng tôi sẽ truy lùng đến tận cùng trái đất, những thủ phạm tàn nhẫn đứng sau tội ác tàn khốc này cho đến khi mọi kẻ giết người bị đưa ra công lý. Luật pháp không cho họ sự thương xót", văn phòng của Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra tuyên bố tại Manila. "Lực lượng vũ trang Philippines sẽ thách thức và đè bẹp những tên tội phạm vô thần này", tuyên bố viết.

Trưng cầu dân ý vì hòa bình

Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công mới nhất này.

Vụ tấn công xảy ra gần một tuần sau khi những người Hồi giáo thiểu số ở quốc gia chủ yếu là người Công giáo La Mã tán thành một khu tự trị mới ở miền nam Philippines với hy vọng chấm dứt gần 5 thập kỷ của cuộc nổi loạn ly khai khiến 150.000 người thiệt mạng. Mặc dù hầu hết các khu vực Hồi giáo đã phê duyệt thỏa thuận tự trị, nhưng các cử tri ở tỉnh Sulu, nơi Jolo tọa lạc, đã từ chối. Tỉnh này là quê hương của một phe nổi dậy đối thủ, cũng như các nhóm thánh chiến nhỏ, không tuân theo bất kỳ tiến trình hòa bình nào.

Chính phủ phương Tây đã hoan nghênh hiệp ước tự trị. Họ lo ngại, một số lượng nhỏ các phiến quân có liên kết với IS từ Trung Đông và Đông Nam Á có thể tạo nên một liên minh với quân nổi dậy Philippines và biến miền nam thành nơi sinh sản của những kẻ cực đoan. "Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm chúng tôi đang chuẩn bị cho một giai đoạn khác của tiến trình hòa bình ở Mindanao", Thống đốc Khu tự trị Hồi giáo Mindanao Mujiv Hataman cho biết và kêu gọi cư dân Jolo hợp tác với chính quyền để tìm ra thủ phạm của "hành động tàn bạo" này.

Do Abu Sayyaf gây ra?

Khu vực Mindanao bị ảnh hưởng bởi bạo lực giữa người Hồi giáo và Kitô giáo trong nhiều thập kỷ.

Đảo Jolo từ lâu đã gặp rắc rối bởi sự hiện diện của phiến quân Abu Sayyaf, những người bị Mỹ và Philippines đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố bởi "thành tích" nhiều năm đánh bom, bắt cóc và chặt đầu. Bên cạnh nhóm Abu Sayyaf nhỏ bé nhưng tàn bạo, các nhóm phiến quân khác ở Sulu bao gồm một nhóm nhỏ các phiến quân thánh chiến trẻ liên kết với IS, cũng đã thực hiện các vụ tấn công, bao gồm bắt cóc và chặt đầu. Mới gần đây, ngày 31-12-2018, 2 người đã thiệt mạng trong vụ nổ bên ngoài một trung tâm mua sắm sầm uất ở thành phố Cotabato. Hồi tháng 7-2018, ít nhất 10 người đã thiệt mạng khi các phiến quân có liên quan đến Abu Sayyaf tấn công trạm kiểm soát quân sự bằng một quả bom xe.

Abu Sayyaf hiện vẫn đang giam giữ ít nhất 5 con tin - gồm 1 công dân Hà Lan, 2 người Malaysia, 1 người Indonesia và 1 người Philippines - trong các căn cứ rừng rậm của chúng, chủ yếu gần thị trấn Patikul của Sulu, không xa Jolo. Abu Sayyaf cùng với nhóm Maute, một tổ chức khủng bố khác có trụ sở tại Mindanao, chịu trách nhiệm cho cuộc xâm lược và chiếm đóng Marawi, thành phố đa số là người Hồi giáo lớn nhất Philippines, vào năm 2017. Các phiến quân liên kết với IS đã bao vây Marawi trong 5 tháng và thực hiện các vụ tấn công bạo lực, buộc hơn 350.000 cư dân phải chạy trốn khỏi thành phố và các khu vực xung quanh, vì nhà của họ đã bị phá hủy do không kích và hỏa hoạn. Trong 150 ngày chiến đấu giành lại Marawi của quân đội Philippines, hơn 800 phiến quân và 162 thành viên của lực lượng an ninh chính phủ đã thiệt mạng.

Thống đốc Khu tự trị Hồi giáo Mindanao Mujiv Hataman cho rằng, vụ đánh bom không liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tuần trước. "Trước hết, Abu Sayyaf hoặc IS đã không thể hiện quan điểm của họ đối với cuộc trưng cầu dân ý, dù là ủng hộ hay chống lại nó", ông Hataman nói. Theo ông, chỉ có Abu Sayyaf mới có phương tiện và năng lực để thực hiện cuộc tấn công. "Rất có thể, vụ việc có liên quan đến Abu Sayyaf", ông nhấn mạnh.

AN BÌNH

Cửa chính, cửa sổ, bàn ghế bên trong Nhà thờ Jolo bị thổi bay sau vụ tấn công. Ảnh: AFP Các nạn nhân trong vụ đánh bom được điều trị trong bệnh viện. Ảnh: CNN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_201757_philippines-rung-chuyen-vi-bom-hon-100-nguoi-thuo.aspx