Philippines sơ tán người dân để tránh siêu bão Mawar

Ngày 29/5, chính quyền Philippines bắt đầu quá trình sơ tán hàng nghìn người dân trong khi đóng cửa trường học và áp đặt các lệnh cấm đi thuyền khi bão Mawar tiến tới gần các tỉnh phía bắc quốc gia này một tuần sau khi đổ bộ vào đảo Guam của Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy bão Mawar đang tiến đến các tỉnh phía bắc Philippines ngày 29/5. Ảnh: National Institute of Information and Communications Technology (NICT)

Trước khi đổ bộ vào lãnh thổ Philippines, bão Mawar đã tấn công đảo Guam hồi tuần trước với tư cách là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ trong hơn 2 thập kỷ. Trên đường đi của mình, cơn bão này lật đổ ô tô và xé toạc mái nhà. Independent trích dẫn nhà khí tượng học Landon Aydlett của National Weather Service cho biết sau khi Mawar càn quét qua Guam, người dân đang phải đối mặt với một đống hỗn loạn mà phải mất rất nhiều tuần mới có thể phục hồi.

Trong khi đó theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), đây là cơn bão có sức công phá khủng khiếp nhất trong vòng 6 thập kỷ trở lại. Gần như toàn bộ 52.000 hộ gia đình, doanh nghiệp trên đảo Guam đều rơi vào cảnh mất điện sau khi cơn bão quét qua.

Theo hãng tin AP, bão Mawar đang có sức gió duy trì tối đa là 155 km/h và gió giật lên tới 190 km/h. Các dự báo hiện tại cho thấy cơn bão di chuyển theo hướng đông bắc về phía Đài Loan hoặc miền nam Nhật Bản và đang chậm lại.

Tuy được dự đoán chậm lại đáng kể, các nhà chức trách Philippines vẫn cảnh báo người dân về nguy cơ xảy ra các đợt triều cường nguy hiểm, lũ quét và sạt lở đất khi nó đi qua khu vực Batanes ở phía đông bắc Luzon từ 30/5 tới 31/5. Các quan chức phòng chống thiên tai Philippines nhận định hướng đi của cơn bão hoàn toàn có thể thay đổi đột ngột và do đó không ai được phép lơ là.

Trả lời AP, Trợ lý Bộ trưởng Raffy Alejandro của Văn phòng Phòng vệ Dân sự cho biết: “Ngay cả khi trời có nắng, thời tiết vẫn rất khó lường và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta phải luôn chú ý đến sự an toàn. Chúng ta đang bàn về những mối đe dọa tiềm ẩn đối với cả tính mạng”.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Batanes Ignacio Villa cũng cho biết: “Những cơn bão, động đất và thiên tai này là một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi cần phải chuẩn bị sẵn sàng vì nếu không làm vậy, có khả năng cao sẽ xảy ra thiệt hại lớn về người và của”.

Bão Mawar gây ra thiệt hại tại Dededo, Guam ngày 26/5. Ảnh: Maxar Technology/AP

Trong bối cảnh đó, quân đội, cảnh sát, lính cứu hỏa và các nhóm tình nguyện tại Philippines đã sẵn sàng cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở các tỉnh phía bắc. Tính tới hiện tại, đã có hơn một triệu gói lương thực đã được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào.

Ông Alejandro cho biết hơn 4.800 người đã được sơ tán đến các nơi trú ẩn khẩn cấp ở Cagayan, Batanes và các tỉnh khác. Trong khoảng thời gian tới, số lượng người phải di dời dự kiến sẽ tăng lên do các cuộc sơ tán đề phòng đang được tiến hành từ 29/5 tại các khu vực dễ bị lũ lụt và sạt lở đất.

Song song với việc di dời, các lớp học và công việc văn phòng, ngoại trừ những công việc liên quan đến việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa, đã bị đình chỉ ở hầu hết các tỉnh Cagayan và Batanes. Các chuyến bay đến và đi từ các tỉnh này cũng đã bị hủy bỏ và các tàu đánh cá và hành khách bị cấm ra khơi. Tại một số khu vực, chính quyền địa phương thậm chí còn ban hành lệnh cấm rượu.

Là một quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các vụ phun trào núi lửa và động đất, Philippines cũng phải hứng chịu khoảng 20 cơn bão mỗi năm. Điều này khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong những nơi dễ hứng chịu thiên tai nhất trên toàn cầu.

Trong quá khứ, đã có nhiều cơn bão gây thiệt hại nặng nề tại Philippines. Bão Haiyan tháng 11/2013 là một ví dụ khi nó khiến hơn 7.300 người thiệt mạng hoặc mất tích, san phẳng toàn bộ các ngôi làng, cuốn trôi tàu thuyền vào đất liền, phá hủy khoảng một triệu ngôi nhà và đồng thời khiến hơn 5 triệu người phải sơ tán.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/philippines-so-tan-nguoi-dan-de-tranh-sieu-bao-mawar-post22242.html